(Baonghean) - Làm việc bán thời gian là một khái niệm rất phổ biến trong sinh viên. Lý do thì muôn hình vạn trạng: trải nghiệm về cuộc sống lao động; trau dồi kiến thức và kỹ năng sống; tìm kiếm cơ hội việc làm; trang trải chi phí học tập... Chung quy lại, hầu hết là những lý do chính đáng và việc sinh viên làm thêm cũng rất được khuyến khích. Bởi, đó là những trải nghiệm đầu tiên của các em về cuộc sống bên ngoài giảng đường, bước đầu tạo cho các em ý thức tự chủ, tự lập và trách nhiệm của một người trưởng thành. Đó là lý do vì sao trong các trường đại học thường có một bộ phận chịu trách nhiệm quản lý, hỗ trợ thông tin và bảo trợ cho sinh viên trong tìm kiếm việc làm bán thời gian. 

Đơn cử như ở Trường Đại học Vinh, "đầu mối" tư vấn là trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp. Thạc sỹ Lê Công Đức - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Làm việc bán thời gian trong sinh viên xuất phát từ cung - cầu của xã hội. Nhiều sinh viên có nhu cầu làm thêm để trang trải chi phí hay trau dồi kiến thức, kỹ năng. Đổi lại, các doanh nghiệp cũng có những hoạt động mà lao động sinh viên là đối tượng lý tưởng nhất, ví dụ như tổ chức các sự kiện, hội thảo có tính chất tuyên truyền, tư vấn, điều tra khảo sát xã hội... Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp đóng vai trò "cầu nối" giữa hai bên. Đồng thời, chúng tôi cũng kiểm tra, rà soát các đề nghị tuyển dụng để sàng lọc ra những công việc phù hợp, không ảnh hưởng đến việc học tập và đảm bảo an toàn, quyền lợi cho các em. Ví dụ, nguyên tắc hàng đầu là không bao giờ chấp nhận những công việc có tính tuyên truyền, quảng cáo cho rượu, bia, thuốc lá hay hạn chế những lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro cho các em như bán hàng đa cấp…". 

Những công việc bán thời gian này không chỉ hỗ trợ sinh viên trong một thời điểm, thời hạn nhất định, mà cũng có thể là tiền đề cho các em bước vào thế giới công việc sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Nhiều sinh viên Đại học Vinh đã tìm được cơ hội việc làm nhờ vào các công việc bán thời gian mà trung tâm tư vấn. Đó là Lê Công Đức - sinh viên Công nghệ thông tin K49 (ĐH Vinh), được tuyển dụng vào FPT Đà Nẵng làm việc sau quãng thời gian kiến tập, nay đang học cao học tại Nhật Bản theo chương trình của công ty; Nguyễn Đình Trung - sinh viên Quản trị kinh doanh K49 (ĐH Vinh) được Tập đoàn Unilever tuyển dụng vào vị trí quản lý khu vực Bắc miền Trung sau khi tham gia hội thảo tư vấn do doanh nghiệp phối hợp với trung tâm tổ chức...

Thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc về tệ nạn xã hội biến tướng từ sinh viên "làm thêm". Đáng buồn và cũng rất đáng báo động, bởi một bộ phận sinh viên có tư tưởng lệch lạc đã khiến xã hội phải giật mình, nhìn lại thực trạng lao động trong sinh viên - vốn dĩ rất thuần túy và đáng khuyến khích, bởi xuất phát từ ý thức tự lập và sự trưởng thành trong nhận thức về trách nhiệm công dân. Nhưng lỗi có hoàn toàn ở các em, hay phần nào do chúng ta chưa quan tâm đúng mực đến công tác phòng tránh rủi ro và bảo trợ về quyền lợi người lao động cho sinh viên? Vì vậy, cần định hướng, hỗ trợ và theo sát từng bước đi để con đường từ giảng đường ra xã hội của các em không lạc hướng!

Hải Triều