Công cụ cổ vũ 0 đồng

Sau khi hoàn thành chức năng đựng nước, giải khát cho các cầu thủ và cổ động viên, những chai nhựa rỗng được tiếp quản nhiệm vụ cổ vũ. Đơn giản, gọn nhẹ nhưng dụng cụ cổ vũ này tạo ra hiệu ứng âm thanh khủng không kém gì những kèn, trống chuyên nghiệp.

Bên lề sân cỏ giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An: Cổ vũ bóng đá không quên bảo vệ môi trường ảnh 1

Uống nước xong, khán giả nhí của đội Đô Lương tận dụng luôn chai để cổ vũ. Ảnh: Diệp Thanh

Chia sẻ về 2 công cụ cổ vũ 0 đồng của mình, một cổ động viên trẻ của đội nhi đồng Đô Lươngcười: “Bình thường thì chai nhựa rỗng này không có giá trị gì nhưng trong những mùa giải như thế này quý lắm đấy ạ. Ai cũng muốn giữ để cỗ vũ nên em phải xin mãi mới đủ bộ 2 chai này đấy”.

Mưu sinh bên lề sân cỏ

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cổ vũ, các chai nhựa được chuyển sang công đoạn thu gom để tái chế. Người thực hiện công đoạn thu gom này là bà Nguyễn Thị Cát - gương mặt thân quen của tất cả các nhà thi đấu quanh sân vận động Vinh. Chia sẻ về công việc của mình, bà Cát nói: “Vì không có lương hưu nên nhiều năm nay tôi làm công việc này để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi ở đây lâu đến mức sân nào, giải nào tôi cũng được ban tổ chức đặc cách cho vào để gom rác. Mọi người quý và tạo điều kiện cho tôi lắm. Vì trong quá trình thu gom chai nhựa, giấy bìa, tôi nhặt luôn cả rác thải cho họ, từ bánh vụn, vỏ kẹo, thạch… Cố gắng để nhặt đến đâu, sạch đến đấy!”

Hình ảnh bà Cát với dáng người nhỏ thó, cặm cụi nhặt rác quen thuộc với những khán giả thành Vinh nhiều năm nay. Ảnh: Diệp Thanh

Bà Cát hiện sống một mình trong một căn nhà nhỏ gần Sân vận động TP. Vinh. Công việc của bà Cát mang cho bà thu nhập mỗi ngày từ 20-50 nghìn đồng. Số tiền không nhiều khiến bà hạnh phúc, công việc của bà vừa góp phần làm sạch môi trường vừa cho bà nhiều niềm vui. Đó là khi mọi người tự tìm đến bà để đưa cho bà những chai nhựa, thùng giấy, là khi khán giả và các huấn luyện viên cảm ơn bà, là khi những vận động viên nổi tiếng nhận ra bà và chào bà… "Đợt dịch sân nghỉ, tôi buồn lắm vừa không có thu nhập vừa không được gặp gỡ ai. Hôm nay tôi nhặt được 2 bao to, mỗi kg 2 nghìn đồng, chừng này chắc được gần 20 nghìn, đủ cho bữa trưa rồi" - bà Cát khoe.

Không chỉ làm việc của mình, bà Cát còn là một khán giả vô cùng nhiệt tình của bộ môn túc cầu. Bất cứ khi nào sạch sân, rảnh việc, bà tìm ngay cho mình một vị trí trên khán đài để say sưa theo trái bóng.

Bà Cát hoà mình vào trận đấu và cổ vũ cho các cầu thủ nhí. Ảnh: Diệp Thanh

Cuộc thi bên lề

Với sự sáng tạo và tinh nghịch của các vận động viên nhí, những chai nước còn là “đồ chơi” mỗi khi giải lao. Tận dụng những chai nước khoáng uống dở, những cầu thủ của đội nhi đồng Đô Lươngđã giết thời gian bằng cách thi tung chai nước. Cụ thể, lần lượt các bạn sẽ tung chai nước sao cho chai nước đáp đất thẳng đứng sau khi đã lộn 1 vòng trên không.

Gay cấn không kém trận cầu của đàn anh, những cầu thủ đội nhi đồng Đô Lương so tài trong trò thảy chai nước. Ảnh: Diệp Thanh

Để tăng phần gay cấn và thú vị, những cầu thủ nhí này còn chia đội và tính điểm để xem ai là người chơi giỏi nhất. Nhìn các bạn nhỏ chơi vui vẻ, không ít phụ huynh ngoài sân cỏ cũng bắt chước chơi theo và sớm nhận ra hoá ra trò chơi đơn giản này không dễ chơi chút nào.

Cổ vũ bóng đá không quên bảo vệ môi trường

Cổ vũ trong điều kiện thời tiết nắng nóng và trong thời gian dài, rất nhiều khán giả phải tiếp sức bằng các loại nước giải khát, đồ ăn vặt... Vì thế nên tình trạng rác thải vương vãi bên lề sân cỏ sau trận đấu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, rất nhiều khán giả đã ý thức, không để lại rác nơi mình ngồi.

Những khán giả đến từ Quỳnh Lưu thu gom rác thải sau khi trận đấu kết thúc. Ảnh: Minh Sang

Khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên vang lên, tỉ số 1-1 gây tiếc nuối cho cả đội bóng và cổ động viên của 2 đội. Khi tất cả chuẩn bị ra về, một phụ huynh đội bóng Quỳnh Lưu lên tiếng: “Ta lặt rác đi các bác hầy”. Sau lời kêu gọi này, các phụ huynh nhanh chóng quay lại chỗ ngồi nhặt những chai nhựa, vỏ lon bỏ vào thùng đúng nơi quy định. Quả là những khán giả đáng khen, đi xem đá bóng không quên bảo vệ môi trường.

Hành động của những phụ huynh có ý thức bảo vệ môi trường sẽ tác động tích cực đến con trẻ. Ảnh: Minh Sang