Cho đến nay, các bên vẫn không ngừng cáo buộc nhau là bên vi phạm thỏa thuận và cảnh báo sẽ có những đòn đáp trả nếu phía bên kia “động binh”. Trong bối cảnh bầu không khí càng lúc càng trở nên căng thẳng, liệu có phải đã hoàn toàn không còn hy vọng hồi sinh Hiệp ước INF?

0707anh_nga__nato__019698679_772019.jpgTổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Express.co.ok
Cáo buộc lẫn nhau

Không ngoài dự đoán, cuộc đàm phán nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa giới chức Nga và NATO đã rơi vào bế tắc cuối tuần qua. Chính Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phải thừa nhận, không có dấu hiệu đột phá và rằng, cơ hội tìm ra một giải pháp “ngày càng ít đi”.

Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, việc Nga tiếp tục vi phạm là lý do duy nhất khiến Hiệp ước INF bị đe dọa; đồng thời cho rằng, INF vẫn có thể được cứu vãn nếu Nga đồng ý phá hủy hệ thống vũ khí tầm trung 9M729 - vốn bị cho là vi phạm hiệp ước. 

Thế nhưng từ trước tới nay, Nga đều bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ và giới chức NATO và cho rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm Hiệp ước khi xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa NATO ở Romania và dường như muốn nối lại chiến tranh Lạnh khi lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian.

Trong tuyên bố mới nhất, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang Nga Vladimir Dzhabarov khẳng định, các nỗ lực của NATO nhằm đổ lỗi cho Nga về sự sụp đổ của INF là vô căn cứ.

Ông đồng thời cảnh báo, Nga sẽ có những đáp trả thỏa đáng khi tên lửa tầm trung và tầm ngắn được triển khai ở các quốc gia châu Âu thuộc khối NATO.

Hệ thống vũ khí tầm trung 9M729 của Nga vốn bị Mỹ và NATO cáo buộc là vi phạm Hiệp ước INF. Ảnh: DW

Trong bối cảnh bế tắc chưa thể khơi thông, hai bên cũng không ngừng báo cuộc lẫn nhau, giới chức phương Tây đang “đứng ngồi không yên” do lo ngại về các nguy cơ an ninh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Lo lắng là có lý khi không chỉ đấu khẩu lẫn nhau, Nga và NATO cũng đã có những động thái mới đáng chú ý. Theo các nguồn tin châu Âu, các quan chức quân đội NATO đang xem xét việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm “khóa chặt” các hệ thống tên lửa tầm trung của Nga.

Trong khi đó, Biển Đen cũng đang trở nên nhộn nhịp khi cả NATO và Nga đang đồng thời tiến hành các cuộc tập trận. Cuộc tập trận mang tên Sea Breeze của NATO diễn ra từ ngày 1 - 12/7 ở khu vực Tây Bắc biển Đen có sự tham gia của cả Ukraine và Georgia.

Không kém cạnh, cuộc tập trận của Nga đang diễn ra có sự tham gia của gần 10 tàu chiến, trong đó có cả các tàu đổ bộ cỡ lớn Azov và Caesar Kunikov.

“Quả bóng” đang ở phía Mỹ

Trở lại với Hiệp ước INF, cho đến 2/8 tới đây, nếu không có bất cứ tiến triển nào, nhiều khả năng Mỹ chính thức sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Cần nhắc lại, Mỹ vốn đã cũng đã đình chỉ các nghĩa vụ trong Hiệp ước INF từ ngày 2/2 năm nay, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi thỏa thuận này kéo dài 6 tháng.

Thế nhưng cũng cần thông tin, mặc dù Tổng thống Nga Putin đã ký dự luật ngừng thực thi INF nhưng luật pháp của Nga cũng quy định Tổng thống có quyền nối lại việc thực hiện Hiệp ước này.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Vladimir Dzhabarov cũng khẳng định, vẫn còn thời gian cứu vãn, bởi Tổng thống Putin đã thông qua sự luật ngừng thực thi Hiệp ước INF chứ không phải là rút khỏi INF.

Cũng có nghĩa vào thời điểm này, chính xác là Hiệp ước INF đang rơi vào tình trạng “đóng băng tạm thời”. Cũng có nghĩa, vẫn còn cơ hội để các bên cứu vãn thỏa thuận trước thời hạn 2/8 tới đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang tìm giải pháp cho mối quan hệ với Tổng thống Nga Putin cũng như Hiệp ước INF. Ảnh: Reuters

Vào lúc này, giới chức Nga cho rằng, quyền quyết định đang nằm ở phía Mỹ. Tổng thống Nga cũng khẳng định không tìm kiếm một cuộc chạy đua không cân sức với Washington.

Bởi Nga đã tiếp cận với Mỹ hơn một lần, khuyến nghị cả hai bên cần giải quyết các vấn đề liên quan Hiệp ước INF, nhưng đã bị Washington từ chối. Không những vậy theo giới chức Nga, Mỹ dường như cũng chưa sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START mới sẽ hết hạn từ đầu năm 2021.

Có ý kiến cho rằng, dường như chính quyền Mỹ vẫn chưa thực sự tìm được giải pháp cho mối quan hệ với Nga, trong bối cảnh còn phải xử lý quá nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp.

Câu hỏi có lẽ Tổng thống Trump đã từng đặt ra, đó là cùng lúc đối đầu với các đối thủ lớn là Trung Quốc và Nga hay sẽ làm hòa với 1 bên để bớt đi 1 mối bận tâm? Nhưng nếu nhượng bộ và bình thường hóa quan hệ với Nga, chắc chắn Tổng thống Trump sẽ vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích trong nội bộ nước Mỹ vốn vẫn luôn duy trì chính sách cứng rắn với Mockva. 

Bởi thế, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng đang đến gần, chắc chắn, Tổng thống Trump có lẽ đang rơi vào thế khó xử, chưa thể đưa ra bất kỳ quyết định nào đáng kể trong quan hệ với Nga.

Thế nhưng, giữa một bên là các nước thành viên NATO muốn tạo sức ép thể hiện sự cứng rắn đối với Moscow, còn một bên là Nga dường như vẫn kiên trì với chính sách kiên nhẫn chiến lược - chờ đợi sự thay đổi của chính quyền Mỹ, có lẽ Tổng thống Donald Trump khó có thể im lặng quá lâu.

Một “nước cờ” mới chắn chắn phải được ông Trump đưa ra trước thời hạn 2/8 tới đây - thời điểm Mỹ dự kiến chính thức rút khỏi thỏa thuận Hiệp ước INF.

Làm sao để vừa không “làm căng” hơn nữa với Nga vừa khiến các thành viên NATO an tâm, lại có thể tìm kiếm một giải pháp chấp nhận được cho INF, đây chắc chắn là bài toán không hề dễ dàng với ông Donald Trump trong vòng chưa đến 1 tháng tới đây!