(Baonghean) - Thảo luận về các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo đã trở nên "nóng" trong nghị trường cũng như bên lề Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong đó, đề cập vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đang cần những giải pháp căn cơ để trở thành "bệ phóng" phát triển kinh tế - xã hội.

images1448394_a4_thi_c_ng____ng_72_m__o_n_qua_ph__ng_h__huy_t_p___tp_vinh__nh_ho_ng_v_nh.jpgThi công đường 72m đoạn qua phường Hà Huy Tập - TP Vinh.
 
3 đột phá 
 
“Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân”. Đó là một trong những mục tiêu đã được đặt ra trong nghị quyết Đại hội khóa XI của Đảng. Cùng đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cũng xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”.
 
Như vậy, việc đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội được đặc biệt coi trọng và có bước phát triển vượt bậc. Tư lệnh ngành GTVT, đại biểu Đinh La Thăng trong bài tham luận trước Đại hội XII đã nhấn mạnh: "Trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông đã được tập trung theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả đầu tư và đặc biệt kết quả đầu tư đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy các vùng miền và cả nước phát triển".
 
Thứ nhất, ngành GTVT đã tạo ra sự đột phá kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa giữa các vùng miền. Thứ hai, đột phá về cơ chế chính sách thu hút nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thứ ba, đột phá về phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH. 
 
Để dẫn chứng cho mức độ, quy mô đạt được toàn diện từ giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn tạo bộ mặt mới là động lực “bệ phóng” phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đinh La Thăng cũng đưa ra những con số thuyết phục: Đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm. Đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất, có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng, các đầu mối giao thông đối ngoại trọng yếu.
 
Đã có trên 700 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt hơn 100 km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra); đây là các tuyến cao tốc trọng điểm nằm trên trục Bắc - Nam, kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam với các cảng biển cửa ngõ và cửa khẩu quốc tế. Hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình tại các cảng hàng không quan trọng, như Nội Bài (nhà ga T2, nhà khách VIP), Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân... Giao thông đô thị, giao thông nông thôn đã có sự đầu tư mạnh mẽ tạo đột phá chiến lược. 
 
Theo đó, nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2011 - 2015, cũng được tăng cường bởi đa dạng các nguồn lực. Ngoài nguồn lực từ NSNN, cũng đã huy động được các nguồn lực khác được trên 410.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các đầu mối giao thông cửa ngõ đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải; làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.
 
Tư lệnh ngành GTVT quốc gia cũng đưa ra dẫn chứng con số thuyết phục thêm: Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, KCHTGT của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc (năm 2010 mới ở vị trí 103 thì năm 2015 đã đứng ở vị trí 67). Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 - 20%/năm... Đây chính là những thước đo chính xác, khách quan nhất cho những chuyển biến về lượng và chất của KCHTGT, của hiệu quả đầu tư, qua đó đóng góp trực tiếp vào việc làm giảm giá thành vận tải, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
 
4 thách thức
 
Cùng những kết quả đạt được rất lớn, có tính đột phá, thì KCHTGT của nước ta cũng đang đặt ra những thách thức, hạn chế, nguy cơ trở thành rào cản sức vươn nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong cuộc trao đổi bên lề Đại hội XII  đã không ngần ngại nêu rõ 4 thách thức đặt ra đối với Ngành GTVT. 
 
Thách thức đầu tiên đó là hạ tầng giao thông vẫn đang tắc nghẽn tại một số nơi, trở thành rào cản phát triển kinh tế - xã hội vì nó chưa đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng cao. Thứ trưởng phân tích thêm: "Đây là thách thức quan trọng nhất, bởi yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng như thế nào để phát triển nhanh, mạnh hơn nữa của kinh tế - xã hội thì chưa làm được. Chi phí vận tải của chúng ta đang ở mức cao so với khu vực và thế giới, như vậy nó tác động đến giá thành và sức cạnh tranh vận tải trong nước so với bên ngoài".
 

“Sự kết nối chưa đồng bộ giữa các loại hình vận tải, cũng như các vùng miền, tổ chức vận tải chưa tốt, chưa áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào trong ngành" là thách thức thứ hai” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh. Thách thức thứ ba, đó là nguồn lực con người trong lĩnh vực giao thông vận tải còn hạn chế, bởi thực tế hiện nay tại một số công trình, dự án lớn vẫn có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Thách thức thứ tư, là tai nạn giao thông và số người chết, bị thương do tai nạn giao thông đang rất cao, mà trách nhiệm trước hết có phần thuộc về KCHTGT vẫn còn những bất cập.

Khánh thành cầu vượt 46 với đường sắt Bắc Nam.

 4 nhóm giải pháp 

 
 
Trên cơ sở nhận rõ những tồn tại, hạn chế, với định hướng chiến lược kết cấu hạ tầng trở thành 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Bộ GTVT đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp đột phá: 
 
Thứ nhất, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển KCHTGT.
 
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển KCHTGT, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào huy động các nguồn lực phát triển KCHTGT.
 
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, tiến độ thi công các dự án; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.
 
Thứ tư, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
 
Rõ ràng, kết cấu hạ tầng giao thông nhất thiết phải là "bệ phóng" tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; và những gì đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan để đáp ứng được yêu cầu giai đoạn hội nhập.
Hữu Nghĩa - Nguyên Sơn