Sau hai ngày làm việc nhằm đánh giá và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 11/2014, chiều nay (18/10), Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc đã kết thúc với nhiều nội dung được thông qua. 
 
images978859_hopbao.jpgHọp báo kết thúc Hội nghị.
 
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, nước chủ nhà của hội nghị APEC năm nay cho biết, Hội nghị đã quyết định và thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng thương mại APEC ủng hộ tiến trình đàm phán thương mại đa phương; thống nhất việc xây dựng một lộ trình tiến tới hiện thực hóa Khu mậu dịch tự do châu Á- Thái Bình Dương; đồng ý cơ chế chia sẻ thông tin về việc tăng cường kết nối toàn diện giữa các thành viên cũng như ủng hộ việc mở rộng hợp tác tài chính và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.
 
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã có những đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Có thể nói rằng, lần này với chủ đề rộng và nội dung bao quát, trong quá trình chúng ta tăng cường hội nhập quốc tế, đoàn Việt Nam tham gia hết sức tích cực và hết sức chủ động, chúng ta đóng góp rất nhiều các ý kiến vào chương trình nghị sự của hội nghị, đặc biệt là tham gia tích cực vào việc để ra được Tuyên bố chung của các bộ trưởng sau khi hết thúc Hội nghị lần này, trong đó chúng ta đóng góp rất nhiều về những biệt pháp để thực hiện xóa bỏ rào cản thương mại bất hợp lý do một số thành viên APEC đưa ra để thực hiện được mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, cho đầu tư được lưu chuyển thông thoáng thuận lợi giữa các thành viên của APEC”.
 
Làm việc với đoàn Đại diện thương mại Hoa Kỳ
 
Trong các hoạt động bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có các cuộc gặp song phương các đối tác quan trọng trong APEC như: Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Liên bang Nga và chủ nhà APEC 2014 Trung Quốc, nhằm thảo luận những nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đồng thời, thông báo về các hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc tại Biển Đông; chủ trương giải quyết của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không được vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Nhìn chung các đoàn đều bày tỏ mong muốn hai bên giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
 
Theo VOV