Đó là “mối quan hệ đặc biệt” Anh - Mỹ - khái niệm được cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra lần đầu tiên năm 1946 và được các nhà lãnh đạo 2 nước duy trì đến nay. Thế nhưng, ông Kim Darroch, người vừa từ chức Đại sứ Anh tại Mỹ được cho là đã thất bại với vai trò “gác đền” của mình.
Bê bối lộ tin mật
Cái tên Kim Darroch – Đại sứ Anh tại Mỹ bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế sau khi nội dung các bức điện tín ngoại giao và báo cáo mật mà ông Darroch gửi về London từ năm 2017 bị tiết lộ trên truyền thông. Sẽ không có gì ồn ào nếu các bức điện tín không đề cập những nội dung nhạy cảm nhắm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một trong những nội dung của tin mật, ông Darroch đánh giá rằng Tổng thống Mỹ Trump là người “thiếu chắc chắn, bất tài” và sự nghiệp của ông “có thể kết thúc trong nhục nhã”. Một số thông tin khác như “sự hỗn loạn” trong nội bộ Nhà Trắng hay kế hoạch tái tranh cử năm 2020 của ông Donald Trump cũng xuất hiện trong những ghi chú này.
Sự cố rò rỉ thông tin mật này đã tạo nên bầu không khí ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ và Anh. Tổng thống Mỹ Trump ngay lập tức phản ứng trên Twiter chỉ trích Darroch là kẻ “vô cùng ngu ngốc” và tuyên bố tuyệt giao với đại diện ngoại giao Anh tại Mỹ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May vì vẫn tiếp tục giữ nguyên vị trí của ông Darroch, bất chấp những căng thẳng trong quan hệ giữa 2 đồng minh. Ông Trump cũng đồng thời công kích Thủ tướng May khi cho rằng bà May xử lý cuộc khủng hoảng Brexit “tệ hại, thảm họa” và tạo ra “một mớ hỗn độn”.
Dù vẫn nhận được sự ủng hộ của Bộ ngoại giao Anh và cả Thủ tướng May, song ông Darroch cuối cùng vẫn phải đệ đơn từ chức với lý do, tình thế hiện nay khiến ông không thể thực hiện vai trò của mình như mong muốn.
Thực tế, các lời bình luận của các nhà ngoại giao dành cho lành đạo các nước chủ nhà không phải điều bất thường. André François-Poncet, đại sứ Pháp tại Đức năm 1935, đã viết rằng Adolf Hitler là “người cố chấp, bướng bỉnh thậm chí đến mức điên rồ”. Hay một vụ rò rỉ tin mật ngoại giao của Mỹ vào năm 2011 có đoạn mô tả về Thủ tướng Italia lúc bấy giờ là ông Silvio Berlusconi là “vô nghĩa, vô ích và không hiệu quả”.
Chính vì thế, có thể thấy quyết định từ chức của Darroch, không phản ánh mức độ nghiêm trọng của những bình luận của ông. Ngay cả người phát ngôn Bộ ngoại giao Anh cũng cho rằng “Đại sứ của chúng tôi cung cấp đánh giá trung thực và thẳng thắn về các quốc gia sở tại, quan điểm của họ không phản ánh quan điểm của các Bộ trưởng và Chính phủ Anh”. Điều đó có nghĩa những thông tin báo cáo mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên, vụ bê bối rò rỉ tin mật lần này cho thấy những khía cạnh khác của mối quan hệ đặc biệt Anh – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nạn nhân của một âm mưu?
Giống như một linh mục đứng trước cổng nhà thờ, đại sứ Anh tại Washington luôn đóng vai trò là người bảo vệ một trong những huyền thoại của quan hệ quốc tế hiện đại. Đó là “mối quan hệ đặc biệt” Anh - Mỹ - khái niệm được cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra lần đầu tiên năm 1946 và được các nhà lãnh đạo 2 nước duy trì đến nay. Sau này, các đại sứ Anh đều “gánh” trọng trách nặng nề là vừa tạo ảnh hưởng ở Washington, vừa báo cáo về trong nước mình thông tin trung thực, chính xác nhất về tình hình của nước sở tại mà không được làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu hảo giữa 2 nước lâu nay.
Nguyên tắc “bí mật” là trọng tâm của việc duy trì huyền thoại “mối quan hệ đặc biệt Anh – Mỹ” và người Anh đã bảo vệ “cổng đền” một cách chắc chắn cho đến khi xảy ra sự cố rò rỉ gần đây. Bộ Ngoại giao Anh từng thừa nhận rằng họ đang nắm giữ các tập tin mật dài đến cả trăm mét liên quan đến Mỹ nhưng kiên quyết không giải mật, mặc dù chúng không còn nằm trong quy tắc 30 năm nữa. Theo giới ngoại giao London, tốt nhất là không để quá nhiều thứ được trưng ra ánh sáng.
Với khả năng bảo mật như vậy, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, tại sao các bức điện tín mật của ông Darroch lại có thể bị rò rỉ? Đây phải chăng là một tai nạn nghề nghiệp hay một âm mưu có chủ đích?
Ông Kim Darroch - một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng làm cố vấn thân cận cho các chính phủ của Thủ tướng Tony Blair, Gordon Brown và David Cameron. Ông mang theo rất nhiều trọng trách như những người tiền nhiệm khi tới Mỹ nhận nhiệm vụ Đại sứ Anh sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Dù không bao giờ đặc biệt ủng hộ Tổng thống Trump song ngay từ khi mới đặt chân đến Mỹ, ông Darroch bày tỏ kỳ vọng mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May sẽ thân thiết như 2 nhà lãnh đạo Ronald Reagan và Margaret Thatcher của những năm 1980. Dưới thời Reagan và Thatcher, “mối quan hệ đặc biệt” giữa 2 cường quốc được thể hiện sâu sắc nhất bởi cả hai có cùng quan điểm chính trị và kinh tế, đồng thời có tình bạn đặc biệt.
Thế nhưng, sự cố lần này đã kết thúc sự nghiệp ngoại giao hơn 40 năm của ông Darroch và sứ mệnh “gác đền” của ông coi như đã thất bại. Có những suy đoán trên truyền thông Anh cho rằng ông Darroch có lẽ cũng chỉ là “nạn nhân” trong sự việc lần này. Vụ việc xảy ra đúng thời điểm nước Anh đang “nóng” với cuộc chạy đua cho chiếc ghế Thủ tướng sau khi bà Theresa May tuyên bố sẽ từ chức.
Giả thuyết cho rằng, sự ra đi của ông Kim Darroch tạo điều kiện và cơ hội cho vị Thủ tướng mới của Anh “làm mới” mối quan hệ với Mỹ và với Tổng thống Trump bằng cách không chỉ thay Đại sứ Anh ở Mỹ mà còn thay cả những người trong Chính phủ Anh bị coi là không thân thiện với cá nhân ông Trump.