vonoda_mqph1539496_2782018.jpgDự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tăng từ 8.769 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng
Cân nhắc vốn tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc
Cụ thể, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với đấu thầu cạnh tranh.
Chưa kể những rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá. Năng lực hấp thu viện trợ nước ngoài của ngành, địa phương và dự án cụ thể còn hạn chế. Các dự án vốn vay nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả.
Thế nên trong quá khứ, đã có không ít dự án phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu, phổ biến nhất là dự án đường sắt đô thị. Chẳng hạn, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thanh Long - Trần Hưng Đạo tăng từ gần 20.000 tỉ đồng lên khoảng 52.000 tỉ đồng và sau thẩm định được hạ xuống gần 33.569 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên từ hơn 17.000 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng. Tương tự, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tăng từ 8.769 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng; dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay của Pháp, ADB tăng từ 783 triệu euro lên hơn 1,17 tỉ euro…
Đặc biệt, báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng nêu những điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu là vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho VN tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các DN Trung Quốc) và kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác.
Theo Bộ KH-ĐT, vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Như vậy, các khoản tín dụng ưu đãi chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Còn các dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Bộ KH-ĐT kiến nghị: “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc”.
Theo PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam, rõ ràng chính sách vay vốn ODA những tưởng là giá rẻ với kiểu “ngô kèm bỏng” đã góp phần không nhỏ trong việc giết chết ngành công nghiệp nặng của VN về thép, cơ khí, vật liệu xây dựng... Tương tự với nguồn vốn ODA từ Trung Quốc, thép Trung Quốc cũng tràn ngập thị trường Việt. “Các nhà sản xuất thép Việt không cạnh tranh nổi, chúng ta đã thua ngay trên sân nhà từ những thỏa thuận trong ODA, đã làm mất đi cơ hội cho DN trong nước và ngành công nghiệp”, PGS-TS Phạm Văn Hùng nhận định.
Tính thêm các khoản phí, lãi vay ODA lên tới 13 - 14%
Theo các chuyên gia, báo cáo nói trên là hình thức phát tín hiệu từ Bộ KH-ĐT rằng các địa phương không nên trông chờ vào bầu sữa ODA nữa. Bởi thực tế có tình trạng nhiều nhà tài trợ trực tiếp đến các địa phương, sau khi thỏa thuận về mặt nguyên tắc thì mới quay lại làm việc với Bộ KH-ĐT. “Điều này tạo áp lực không nhỏ cho Bộ KH-ĐT”, PGS-TS Phạm Văn Hùng nhận định và cho rằng, cần tính toán giải pháp rút lui các dự án vay ODA song phương với bảo hộ của nhà nước, có những ràng buộc gây bất lợi.
Tuy nhiên, chuyên gia đầu tư công, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright VN) không đồng ý việc “rút lui” mà điều cần thiết là chấn chỉnh lại chính sách thu hút vốn ODA. Theo tính toán của ông Tuấn, lãi suất vay ODA hiện từ 1 - 3%, song nếu quy đổi từ các chi phí phi thương mại như phí cam kết, phí quản lý, phí điều chỉnh đội vốn, phí quan hệ... phí tổn của nền kinh tế phải chịu từ nguồn vốn ODA cực kỳ đắt đỏ, lên đến 10%, thậm chí đến 13 - 14%. Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu tính luôn cả việc thất thế trên sân nhà của các ngành công nghiệp nội địa và cả mất cơ hội phát triển thị trường của các DN thì tổn thất này không tính bằng con số nữa. 
Với cách tiếp cận đó, có 3 vấn đề theo ông Tuấn là cần thay đổi chính sách khuyến khích nhận tài trợ tại các địa phương. Thứ nhất, người đứng đầu địa phương đứng ra ký vay vốn ODA để thực hiện dự án tại địa phương phải chịu trách nhiệm ngay cả khi đã về hưu. Thứ hai là không nên để đơn vị cho vay được phép đưa ra những ràng buộc phi tài chính như sử dụng vốn vay phải mua công nghệ của ai, dùng nhân công lao động nào... Bởi nhà cho vay chung quy là chủ nợ chứ không phải cổ đông của một dự án. Thứ ba, nhà tư vấn giám sát phải có hợp đồng ký quỹ với ngân hàng để đồng chịu trách nhiệm nếu dự án họ tư vấn đội vốn quá mức cho phép. “Nhà tư vấn phải chịu trách nhiệm năng lực tài chính, phải chịu trách nhiệm vào sự yếu kém của mình, đặc biệt tư vấn cho các dự án vốn vay song phương”, TS Tuấn nêu quan điểm.
Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi VN ký kết giai đoạn 2016 - 2017 lên đến 9,198 tỉ USD. Trong đó, vốn vay ODA là 6,781 tỉ USD, vay ưu đãi 2,2 tỉ USD, viện trợ không hoàn lại là 216,8 triệu USD. Đặc biệt, vốn vay ODA có lãi suất thấp, thời hạn vay dài thường từ 25 - 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (5 - 10 năm)