Trong dịp công tác ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) hồi đầu tháng 7/2009, chúng tôi may mắn được gặp ông LêQuốc Thọ (69 tuổi), là thành viên hội đồng gia tộc dòng họ Lê Quốc ở xóm 8, xã Trường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ông Lê Quốc Thọ đã đưa chúng tôi về thăm nhàthờ Tổ của dòng họ Lê Quốc và đã cung cấp tư liệu, gia phả, liên quan đến dòng họ Lê Quốc.Điều rất đặc biệt, ông Lê Quốc Thọ đã cho chúng tôi tận mắt chứng kiến và chụp ảnh 7 sắc phong của triều đình thời Cảnh Hưng và thời Tây Sơn ban cho 5 vị tướng lĩnh trong dòng họ Lê Quốc, do có nhiều công trạng với đất nước. 5 vị tướng được phong sắc thuộc Triều đại Lê Hiển Tông (Niên hiệu Cảnh Hưng), Triều đại Nguyễn Huệ (Niên hiệu Quang Trung) và Nguyễn Quang Toản (Niên hiệu Cảnh Thịnh). Cả 7 sắc phong hiện nay còn lưu giữ tại nhà thờ Tổ, dòng họ Lê Quốc và được ông Lê Quốc Hoá bảo quản cẩn thận.

Để giúp con cháu thêm tự hào về dòng họ, phát huy truyền thống Tổ tiên, bảo tồn và phát huy di sản thiêng liêng ông cha để lại, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, chúng tôi đã tiến hành chụp ảnh và được cụ Bùi Văn Chất dịch nghĩa nội dung 7 sắc phong đó. Điều đặc biệt hơn nữa, 7 sắc phong ấy được vua ban cho 5 vị tướng đều là người trong một gia đình dòng họ Lê Quốc, từ thời Cảnh Hưng đến thời Tây Sơn.

Sắc phong thứ nhất: Được Vua Lê Hiển Tông ban cho ngài Lê Quốc Cơ vào năm Cảnh Hưng thứ 15 (1755) do Ngài có công khai phá cai quản đồn điền, chi cấp lương thực và tiền bạc cho quân sỹ thời Hậu Lê (1533 - 1788).

Sắc phong thứ 2: Được Vua Quang Trung sắc phong cho Ngài Lê Quốc Cầu (vào năm Quang Trung năm thứ 5 (1792). Ngài là con của Lê Quốc Cơ. Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc. Ngài đã đem toàn bộ binh lực của mình theo Nguyễn Huệ và lập nhiều chiến công lớn. Với công trạng đó, Ngài được Vua phong 3 đạo sắc.

Sắc phong thứ 3 và thứ 4: Ngài Lê Quốc Cầu được Vua Quang Toản (Niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ nhất (1793) và Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796) ban sắc phong do ngài "có nhiều công lao trong chiến trận, là vị tướng có mưu kế, một lòng một dạ phụng sự sự nghiệp lớn của hai triều Vua" (Quang Trung +Cảnh Thịnh).

Sắc Phong thứ 5: Được Vua ban cho Ngài Lê Quốc Trân. Ngài là con của Lê Quốc Cơ, là em ruột của Lê Quốc Cầu. (Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) do Ngài lập được nhiều chiến công, đóng góp nhiều công lao với Triều Đình, "là vị tướng mạnh mẽ, cứng cỏi, hùng dũng, oai phong, dám xả thân vì nghĩa nước, báo đáp ơn trên".

Sắc phong thứ 6: Được Vua ban cho ngài Lê Quốc Lý (Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796). Ngài là con của Lê Quốc Cầu. Sinh thời, Ngài tham gia quân Tây Sơn cùng cha là Lê Quốc Cầu. Do có công trạng lớn, được Vua phong sắc "là người cứng cỏi, hùng dũng, oai phong, đã lập được nhiều chiến công, đóng góp nhiều công lao".

Sắc phong thứ 7: Được Vua ban cho Ngài Lê Quốc Đạm (Năm Cảnh Thịnh thứ 4- 1796). Ngài Lê Quốc Đạm là con của Lê Quốc Trân. Do lập nhiều công trạng, được vua phong một đạo sắc "qua nhiều chiến trận góp nhiều công lao, nay phong "Anh liệt tướng quân chỉ huy sứ, đốc suất bản quân".

Nội dung 7 sắc phong dưới thời Cảnh Hưng và Tây Sơn phong cho 5 vị tướng trong một gia đình dòng họ Lê Quốc đã chứng minh vị trí và công trạng của dòng họ Lê Quốc trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua bài viết này, chúng tôi thiết tha kính mong các cơ quan nghiên cứu lịch sử - văn hoá, căn cứ vào 7 sắc phong còn lưu giữ được để thẩm định, xác minh, giúp dòng họ Lê Quốc bổ sung vào gia phả ngày tháng năm sinh và mất của những vị tướng có công với nước, đồng thời xem xét để xếp hạng di tích LSVH nhà thờ Tổ, dòng họ Lê Quốc, xứng đáng với công lao của các vị tiên!

Vũ Ba Lan - Bùi Văn Chất