(Baonghean.vn) - 5 cây thị cổ có niên đại 670 năm, trải qua bao thăng trầmlịch sử, vượt qua mưa bom bão đạn vẫn trường tồn. Chủ nhân của 5 cây thị cổ là một chiến sỹ từng bảo vệ Bác Hồ năm xưa - ông Lê Minh Thưởng ở xóm 2, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc).
'C húng tôi đến nhà ông Lê Minh Thưởng trong buổi chiều áp Tết, khi không khí nhộn nhịp đã lan tận vào từng ngõ ngách của làng quê Nghi Thịnh. Là tộc trưởng của dòng họ lớn nên phải lo toan, chuẩn bị nhiều công việc để anh em họ hàng gặp mặt, tế lễ tạ ơn tổ tiên, nhưng ông Thưởng vẫn rất vui vẻ dành thời gian tiếp chuyện chúng tôi.
Ông luôn khiến người khác bất ngờ, bất ngờ từ cái dáng vẻ phong trần rất đời cho đến những "lý sự" chẳng giống ai. Ông bảo, nhà ông đang chứa những "báu vật" hiếm có. Ông cho rằng, mình là người may mắn khi được chụp ảnh với Bác Hồ từ ngày còn tham gia bảo vệ Bác. Tấm ảnh đó là "báu vật" mà ông nâng niu, gìn giữ và treo trang trọng giữa nhà. Một "báu vật" khác mà ông Thưởng cũng may mắn sở hữu, đó là 5 cây thị cổ vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
Sức sống mãnh liệt của cây thị cổ
Ông Lê Minh Thưởng sinh năm 1940, tại xóm 2, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc). 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Minh Thưởng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hai năm học tập, rèn luyện tại C500 (nay là Học viện An ninh), năm 1960, ông ra trường và vinh dự được tham gia bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông được điều động sang Phủ Chủ tịch và được đồng chí Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Vinh dự, tự hào nhưng trọng trách vô cùng to lớn. Công việc bảo vệ Bác đòi hỏi sự kiên trì, thức khuya dậy sớm, đi lại hạn chế. Gần gũi bên cạnh Bác, ông cảm nhận được sựgiản dị, tình thương bao la của vị Cha già dân tộc.
Những năm tháng được bảo vệ Bác Hồ là những ngày có ý nghĩa, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ông. Kỷ niệm về Bác Hồ có nhiều, nhưng ông luôn ghi nhớ, khắc sâu lời dạy của Bác trong một lần nói chuyện:"Biết thì nói, không biết thì hỏi, đừng nói sai, biết rồi mà không trả lời cũng không nên". Lời dạy này của Người đã theo ông suốt cuộc đời và ông lấy đó để răn dạy lại con cháu mình.
Lúc Người đi xa, ông được điều về Cục Cảnh sát nhân dân và công tác tại đó đến năm 1999. Nghỉ hưu, ông về quê nhà tại xóm 2, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) an dưỡng tuổi già cùng con cháu. 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, gần 40 năm công tác trong ngành An ninh, ông Lê Minh Thưởng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến vì An ninh Tổ quốc...
Dẫn chúng tôi tham quan các cây thị cổ trong vườn, ông Lê Minh Thưởng cho biết: Theo cuốn gia phả dòng họ Lê thì cách đây khoảng 600 năm, Nghi Thịnh, Nghi Lộc và các vùng lân cận còn hoang sơ lắm. Một trận đại hồng thủy tràn qua nhấn chìm tất cả nhà cửa, cây cối, biến nơi này thành một vùng cát trắng hoang vu, duy chỉ có 5 cây thị vẫn sống xanh tươi, hoa trái nở rộ bốn mùa. Vào thế kỷ XVII, Đô đốc Lê Văn Hoan được điều vào Nam lãnh đạo nghĩa quân ra Bắc dẹp giặc. Trên đường chinh chiến, trong lúc dừng chân nghỉ tại một làng quê, ông đã lệnh cho lính buộc đàn voi vào 5 cây thị mọc gần đó. Sau khidẹp được giặc, lập công lớn, ông được vua phong chức Đại nguyên soái.
Ông tổ nhà họ Lê sau khi lập công lớn cũng được phong tước. Trong một lần ra Bắc, dừng chân thăm lại nơi cũ, khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, chim chóc về ăn quả nhiều, ông cũng ăn thử thấy quả rất ngon, ngọt, mà chỉ cần một quả đã no. Đất lành chim đậu, lại thấy cảnh ở đây thanh bình, ông tổ họ Lê đưa một số thân nhân của binh sỹ đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, lập nên làng Xuân Tình (Xuân là trẻ, Tình là tình người). Những lần đưa quân đi đánh giặc, Đại nguyên soái Lê Văn Hoan đều ghé thăm những cây thị, thật kỳ lạ là sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy, ông đã cho lập tại đây một ngôi đền để ghi ơn 5 cây thị. Năm 1965, bom đạn đế quốc Mỹ thiêu trụi ngôi đền, nhưng 5 cây thị vẫn còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, những cây thị này vẫn kiên cường, bền bỉ, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của quê hương.
Trước đây, tổ tiên dòng họ Lê ở Nghi Thịnh vẫn dùng loại quả từ các cây thị cổ xưa để lên bàn thờ thắp hương cho gia tiên, họ tộc. Đến nay, thói quen này vẫn được người dân ở đây gìn giữ. Cây bắt đầu kết quả từ cuối tháng 6 và quả kịp chín để dâng lên bàn thờ tổ tiên đúng rằm tháng 7. Quả thị khi chín thơm nức cả một góc vườn, nhưng độc đáo là ở chỗ trước rằm tháng 7, quả thị dù chín độ nào cũng không bị sâu thối.
Thân sinh của ông Thưởng - cụ Lê Văn Chung là lão thành cách mạng, bị địch bắt giam từ năm 1939 đến năm 1945. Lúc này, nhân dân vô cùng đói khổ, cụ Lê Văn Chung đã hái thị cho dân làng cùng ăn chống đói. Quả xanh gọt vỏ chấm muối ăn, quả chín thì bóp cho mềm, bóc vỏ ăn, ăn no thì thôi. Không những thế, quả thị còn là vị thuốc quý chữa bệnh đau bụng cho người và gia súc. Nhờ 5 cây thị quý này mà trong nạn đói lịch sử năm 1945, cả làng không ai bị chết đói.
Rồi những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hàng chục, hàng trăm lượt đơn vị bộ đội đã trú quân dưới những gốc thị già trước khi hành quân vào Nam chiến đấu. Những năm 1967-1968, chiến tranh ác liệt, Quân Khu IV sơ tán về làng. 5 gốc cây thị được khoét làm hầm, làm chỗ trú ẩn, làm bếp hậu cần cho bộ đội... 5 cây thị với những tên gọi khác nhau, mang trên mình những hình dáng khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là trên mỗi thân cây đều lưu lại dấu tích của lịch sử.
Ông Thưởng cho biết, điều đặc biệt là mỗi cây thị đều có những đặc điểm riêng. Cây thị có tuổi đời cao nhất gọi là Thị Hồng. Ông Thưởng bảo, sở dĩ có tên như vậy là do quả của cây này có màu hồng chứ không phải màu vàng tươi thường thấy của quả thị.Quả cây này rất to, từ 6-8g, có quả lên đến 1kg. Thân cây là một cái hốc rỗng, to, chính là cái hầm quân sự trong kháng chiến chống Mỹ. Chỉ về phía cây thị cổ trước cửa nhà thờ họ Lê, ông Thưởng nói tiếp: "Đây là cây Thị Nu, hay còn gọi là cây Thị Họ. Quả của nó rất to, nhưng khi mới hái xuống thì không ăn liền được, ủ vài ngày rồi đưa ra ăn thì lại rất ngon, ngọt. Năm 1968, máy bay Mỹ némbom san bằng nhà thờ họ bên cạnh, nhưng cây thị mọc gần đó vẫn không vấn đề gì. Cách cây Thị Nu không xa là một cây thị cực kỳ đặc biệt: Thân cây bị khoét rỗng một nửa, hiện giờ chỉ như một tấm gỗ chữ C. Còn cây thị nhỏ nhất trong vườn có quả nhỏ nhưng quả không có hạt.
Mặc dầu xã Nghi Thịnh từng bị ném bom, bắn phá ác liệt, nhưng một điều kỳ lạ là chưa từng có quả bom nào rơi xuống khu vực có 5 cây thị. 5 cây thị cổ thụ được trồng theo hình sao Bắc Đẩu đã gắn liền với sự phát triển của dòng tộc họ Lê. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, tính đến đời ông Lê Minh Thưởng cũng đã là đời thứ 17. Ông Thưởng cho biết thêm: Ươm thị rất khó, nhưng hiện tại trong vườn nhà mình, ông Thưởng đang tiếp tục ươm hạt từ 5 cây thị cổ để phát triển giống thị quý này.
Thời gian qua, 5 cây thị cổ của ông Lê Minh Thưởng được nhiều người biết đến và trở thành nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, có nhiều người trả giá đến hàng chục tỷ đồng nhưng ông vẫn không bán. Ông khẳng định: "Tôi muốn để lại "di sản" này cho thế hệ con cháu mai sau". Mong muốn của ông Thưởng là được Nhà nước có chính sách đầu tư, tôn tạo, bảo tồn 5 cây thị "di sản Việt Nam" này.