(Baonghean.vn) - Đúng như dự đoán của dư luận và giới phân tích, khẩu hiệu tranh cử “Phục hồi kinh tế, con đường duy nhất” đã mang về chiến thắng áp đảo cho Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe. Thế nhưng, “canh bạc” đầy rủi ro này không chỉ cho thấy cử tri Nhật ủng hộ con đường mà Thủ tướng Shinzo Abe vạch ra mà thực chất phản ánh những thách thức trong chặng đường sắp tới của người đứng đầu đất nước Mặt trời mọc.

Làm thế nào để hiện thực hóa lời hứa, củng cố lòng tin của cử tri là thách thức lớn nhất với chính quyền Thủ tướng Abe.
Làm thế nào để hiện thực hóa lời hứa, củng cố lòng tin của cử tri là thách thức lớn nhất với chính quyền Thủ tướng Abe.
TIN LIÊN QUAN
Kết quả chính thức được Ủy ban bầu cử Nhật Bản công bố đã cho thấy sự ủng hộ của cử tri Nhật Bản đối với Đảng cầm quyền LDP của Thủ tướng Abe. Theo đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành 291 ghế trên tổng số 475 ghế. Cùng với đảng Công minh Mới (NKP), đối tác của LDP, liên minh cầm quyền nắm trong tay 326 ghế, giành được đa số 2/3 vững chắc tại Hạ viện. Chiến thắng này cũng đồng nghĩa với việc, Thủ tướng Abe đã một lần nữa khẳng định được sức ảnh hưởng của mình trong việc lãnh đạo Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) trước khi hết nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng vào tháng 9/2015, đồng thời nâng cao cơ hội làm Thủ tướng đến năm 2018 và trở thành Thủ tướng lâu nhất trong 4 thập kỷ. 

Đúng với mục tiêu Thủ tướng Abe đặt ra trước cuộc bầu cử là liệu người dân nước này muốn tiếp tục hay dừng lại chính sách kinh tế Abenomics, người dân Nhật Bản đã có một câu trả lời hết sức rõ ràng với ông Abe. Đó là cử tri Nhật Bản ủng hộ con đường mà Thủ tướng Shinzo Abe vạch ra và mong muốn một chính quyền ổn định để phát triển kinh tế, khôi phục sức mạnh quốc gia, bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản. Nếu như còn không ít ý kiến hoài nghi trước cuộc bầu cử rằng, yếu tố kinh tế sẽ là “rủi ro” trong “canh bạc đầy mạo hiểm” này của ông Abe thì chính chính sách này lại góp phần mang lại chiến thắng áp đảo lần này. Theo nhiều chuyên gia phân tích, đối với nhiều cử tri Nhật Bản, gói chính sách Abenomics có thể chưa phải là giải pháp toàn vẹn, nhưng đây vẫn là con đường đúng đắn để kéo Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát đã kéo dài suốt 2 thập niên và đem lại khuôn mặt mới cho nền kinh tế nước này. Những thành tích mà nội các của Thủ tướng Abe đã thực hiện được trong 2 năm qua như việc tạo thêm 1 triệu người tìm được việc làm, tỷ lệ tuyển dụng đạt mức cao nhất trong vòng 22 năm và tiền lương tăng cao nhất trong 15 năm là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì ông Abe đã cam kết. Dù kinh tế Nhật Bản còn nhiều khó khăn, song đại đa số cử tri Nhật Bản đều cho rằng, các Đảng đối lập đều chưa đưa ra được một cương lĩnh thuyết phục nào. 

Nói như vậy không có nghĩa Đảng Dân chủ tự do cầm quyền của ông Abe sẽ “thẳng bước” trong quãng đường tiếp theo. Theo các nhà phân tích, một trong “ba mũi tên”  trong chính sách Abenomics thì “cải cách kinh tế” - phần quan trọng nhất của Abenomics cũng sẽ là “trở ngại” lớn nhất với ông Abe trong quãng đường phía trước. Có thể nói, mặc dù chính phủ Nhật Bản đã thực thi nhiều biện pháp táo bạo nhưng nền kinh tế nước này không những không tăng trưởng mà lại đang rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật. Đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng do vật giá leo thang. Do đó, phần đông ý kiến của người dân mong muốn chính phủ mới có các biện pháp phục hồi kinh tế mà họ có thể cảm nhận được bằng sự tốt lên của chính cuộc sống bản thân. 

Nếu như thách thức trong việc làm thế nào tiếp tục duy trì và thúc đẩy Abenomics thì kết quả bầu cử cũng ẩn chứa những trở ngại nhất định cho chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe. Dù trong thời gian 2 năm trở lại cầm quyền, song dường như những chuyến đi tới 50 quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy chính sách “ngoại giao hòa bình chủ động” của Nhật Bản chưa mang lại một kết quả rõ nét, đặc biệt trong quan hệ với các nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc Thủ tướng Abe tiếp tục thể hiện đường lối cứng rắn trong các vấn đề nhạy cảm với hai nước láng giềng như vấn đề nhận thức lịch sử, chủ quyền biển đảo... rồi tới việc kêu gọi người dân nhận thức tầm quan trọng của việc sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình đã khiến báo chí Trung Quốc và Hàn Quốc cùng bày tỏ lo ngại. 

Rõ ràng, dù được xem là thắng lớn trong thử thách vừa rồi, thế nhưng kết quả dường như mới chỉ là “điều kiện đủ” cho chính quyền của Thủ tướng Abe. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt mức 52%, thấp hơn 7 điểm so với lần bầu cử hai năm về trước cùng nhiều ý kiến cho rằng, họ không còn sự lựa chọn nào khác mới bầu cho Đảng Dân chủ cầm quyền một lần nữa cho thấy, dù chưa đến mức “bỏ rơi” chính sách Abenomics nhưng lòng tin của cử tri đã không còn nguyên vẹn. Làm thế nào để hiện thực hóa lời hứa, củng cố lòng tin của cử tri mới là thách thức lớn nhất với chính quyền Thủ tướng Abe.

Thanh Hiền