Hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Ngày 6/11 là ngày chính thức diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ. Các điểm bỏ phiếu ở một số bang đã bắt đầu mở cửa và người dân có khoảng 12 tiếng để tới bỏ phiếu. Mặc dù ngày bầu cử chính thức là 6/11 nhưng đã có ít nhất 31 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua hình thức gửi thư. Con số này cao hơn nhiều so với số cử tri bỏ phiếu sớm năm 2014 là 22 triệu người. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 45%, cao nhất trong vòng 50 năm qua.
Tại cuộc bỏ phiếu năm nay, cử tri Mỹ sẽ bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sỹ, 35/100 ghế thượng nghị sỹ, và 39 ghế thống đốc bang và vùng lãnh thổ. Diễn ra 2 năm 1 lần, cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ luôn có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ Tổng thống hoặc chính quyền đương nhiệm nào. Trong lịch sử nước Mỹ, các Tổng thống thường mất nhiều ghế trong Quốc hội sau mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ do kết quả của nó có thể có tác động lớn tới các chính sách của chính quyền đương nhiệm.
Nga cáo buộc Israel nhiều lần không kích bất ngờ tại Syria
"Không phải lúc nào Israel cũng tuân thủ nghiêm ngặt nghĩa vụ của mình, đặc biệt là việc báo trước cho quân đội Nga về các chiến dịch không kích trong lãnh thổ Syria. "Chúng tôi đã cảnh báo Israel rằng thái độ này sẽ dẫn đến những hậu quả bi thảm", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với El Pais ngày 5/11. Ông Lavrov cho rằng, các chiến dịch không kích như vậy của Israel đe dọa đến tính mạng của quân nhân Nga tại Syria, chẳng hạn như vụ tấn công sân bay T-4 ở Palmyra hồi tháng 3/2017.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, các hành động như vậy của quân đội Israel chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và không thể giải quyết được những vấn đề an ninh của nước này. "Israel tiếp tục ném bom các mục tiêu trong lãnh thổ Syria và điều này dẫn đến thảm kịch trinh sát cơ Il-20 của Nga chở 15 quân nhân bị bắn rơi hôm 17/9", Lavrov cho biết.
Philippines thừa nhận doanh nhân Trung Quốc làm cố vấn cho Duterte
Manila hôm nay thừa nhận vai trò cố vấn kinh tế của một công dân Trung Quốc, nhiều tuần sau khi Duterte phủ nhận. "Michael Yang chỉ là một trong những cố vấn mà Tổng thống muốn tham khảo ý kiến về một vấn đề cụ thể. Ông chỉ nhận lương tượng trưng một peso (0,019 USD) một năm", ABS dẫn lời phát ngôn viên phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo.
Khi được hỏi liệu công dân ngoại quốc làm cố vấn có hợp pháp không, Panelo khẳng định có "nếu chỉ đóng vai trò cố vấn", đồng thời nhấn mạnh vốn hiểu biết về kinh doanh cũng như các mối quan hệ của Michael Yang với Trung Quốc sẽ giúp đưa ra những ý kiến giá trị cho Duterte.
Từ khi nhậm chức Tổng thống, chính quyền Duterte theo đuổi chính sách tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, gạt qua một bên các tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Afghanistan khẳng định sẽ tham dự cuộc hòa đàm ngày 9/11 tại Nga
Các quan chức Afghanistan cho biết, một phái đoàn của Hội đồng Hòa bình tối cao nước này sẽ tham dự cuộc đàm phán hòa bình đa phương Afghanistan theo thể thức Moskva, dự kiến được tổ chức ngày 9/11 tới tại Nga. Người phát ngôn Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan, một cơ quan chính phủ phụ trách tiến trình đàm phán với Taliban, nêu rõ cơ quan này sẽ cử 4 đại diện tham gia cuộc đàm phán, vốn sẽ tập trung vào việc khởi động tiến trình đàm phán giữa chính quyền Kabul và lực lượng Taliban.
Trong khi đó, người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid tuyên bố, nhóm này vẫn đang xem xét khả năng có tham dự hòa đàm hay không.
Khủng hoảng nhân sự, quân đội Anh tăng tuyển mộ người ngoại quốc
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh cho biết, quân đội nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực khi thiếu tới 8.200 tân binh, mức trầm trọng nhất kể từ năm 2010. Điều này khiến Bộ Quốc phòng Anh quyết định xóa bỏ quy định chỉ cho phép công dân Khối Thịnh vượng chung sinh sống tại Anh trên 5 năm được gia nhập quân đội.
Với quy định mới sắp được ban hành, Bộ Quốc phòng Anh hy vọng sẽ tuyển thêm được 1.300 binh sĩ từ các quốc gia như Australia, Ấn Độ, Canada, Kenya và Fiji.
Chính phủ Mexico ưu tiên giúp đỡ nhân đạo đối với người di cư
Chính quyền Mexico cho biết đặt ưu tiên trợ giúp nhân đạo cho hàng nghìn người di cư Trung Mỹ, gồm Honduras, El Salvador và Guatemala đang có mặt tại đất nước này trên hành trình tìm đường tới Mỹ. Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Mexico đã công bố các hành động để bảo vệ người di cư như đảm bảo quyền lợi, nhân quyền, nỗ lực đối thoại và thông tin, cùng với đó là triển khai cơ chế liên ngành với các cơ quan chức năng của Honduras, Guatemala và El Salvador. Mexico sẽ ưu tiên xem xét và giải quyết đơn xin tị nạn của các gia đình có con nhỏ, trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai và phụ nữ nói chung cũng như người cao tuổi.
Đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (CNDH), Viện Di trú Mexico và Ủy ban Mexico về Hỗ trợ Người tị nạn (Comar) đã cùng phối hợp trong việc giải quyết đơn xin tị nạn, tư vấn và trợ giúp pháp lý đối với người di cư.
Mỹ cho phép Trung Quốc mua dầu của Iran trong 180 ngày
Reuters ngày 6/11 cho biết, một biện pháp trừ trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ cho phép Trung Quốc mua 360.000 thùng dầu/ngày từ nước Cộng hòa Hồi giáo này trong vòng 180 ngày. Biện pháp miễn trừ này sẽ đi kèm các điều kiện, trong đó có yêu cầu công khai các bên đối tác và phương thức thanh toán. Theo số liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã mua trung bình 655.000 thùng dầu/ngày từ Iran trong giai đoạn từ tháng 1-9/2018.
Trước đó, ngày 5/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, nước này sẽ miễn trừ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản khỏi lệnh cấm mua dầu mỏ của Iran, trong khi khẳng định sẽ không ngừng gây sức ép đối với Tehran. Ông Pompeo đã liệt kê 7 quốc gia được hưởng sự miễn trừ tạm thời khỏi lệnh cấm giao dịch dầu mỏ với Iran gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Đài Loan (Trung Quốc).
Brazil: Luật sư yêu cầu trả tự do cho cựu Tổng thống Lula da Silva
Ngày 6/11, nhóm luật sư bào chữa của cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, hiện đang chịu án tù vì tội tham nhũng, đã đệ đơn yêu cầu trả tự do cho ông này. Trong đơn kháng cáo gửi Tòa án Tối cao Brazil, nhóm luật sư cáo buộc Thẩm phán Sergio Moro, người ra phán quyết kết tội ông Lula da Silva đã thiên vị, hành động vì các lợi ích cá nhân và sự thù ghét đối với cựu Tổng thống Lula da Silva. Các luật sư nhấn mạnh, các bằng chứng mà Thẩm phán Moro đưa ra là không thuyết phục và không chứng minh được những cáo buộc nhằm vào ông Lula da Silva. Các luật sư đồng thời tìm kiếm một lệnh của tòa án ngăn chặn ông Moro xử các vụ án liên quan đến ông Lula da Silva nếu có trong tương lai.
Thẩm phán Moro đã kết án ông Lula da Silva 12 năm tù ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Brazil hồi tháng trước, điều này đã tước đi cơ hội tranh cử hợp pháp của cựu Tổng thống Lula da Silva. Đáng chú ý, sau cuộc bầu cử, Thẩm phán Moro được thông báo sẽ giữ chức Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ mới.
Dòng người di cư từ châu Phi tới Tây Ban Nha đang tăng vọt
Giới chức Tây Ban Nha cho biết, 13 người di cư châu Phi từ phía Nam sa mạc Sahara đã thiệt mạng và 80 người khác được giải cứu trên biển khi những người này cố tìm cách tới Tây Ban Nha trên 2 chiếc thuyền từ bờ biển Bắc Phi. Lực lượng bảo vệ bờ biển đã giải cứu hai con thuyền tại khu vực cách vùng biển ngoài khơi Melilla 32km trong hành trình hướng về bán đảo Iberia.
Hiện ngày càng nhiều người di cư từ châu Phi tìm cách tới Tây Ban Nha bằng đường biển hoặc vượt qua 2 vùng Ceuta và Melilla giáp biên giới Maroc, là cửa khẩu biên giới trên bộ duy nhất của châu Âu với châu Phi. Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng như số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong 10 tháng đầu năm, đã có tổng cộng 47.505 người di cư từ châu Phi tới nước này bằng đường biển, cao hơn con số 47.170 người đến đây trong vòng 6 năm từ 2012 - 2017. Riêng tháng 10 vừa qua, có tới 10.042 người lợi dụng thời tiết thuận lợi để tới Tây Ban Nha trước khi mùa Đông đến.