(Baonghean) - Từ nguồn tin mong manh
 
Những ngày đầu tháng 12/2014, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) - Công an Nghệ An đứng ngồi không yên. Quần chúng đã cung cấp 1 nguồn tin mong manh về một nhóm đối tượng chuyên đi bán dạo hàng giả ở các huyện miền núi, nông thôn. Câu hỏi đặt ra cho Phòng PC 46: Đó là loại hàng hóa gì? Phương thức thủ đoạn ra sao? Quy mô ở mức độ nào? Liệu chỉ là hiện tượng đơn lẻ hay có tổ chức, hệ thống? Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm đã chỉ đạo cán bộ trinh sát vào cuộc thu thập thông tin.
 
Sau nhiều ngày đêm mật phục, đêm 14, rạng sáng 15/12/2014, 6 tổ công tác với 35 chiến sỹ phòng PC46 đồng loạt ra quân bắt quả tang 5 đối tượng đang sử dụng xe ô tô và xe máy đi bán hàng giả tại các huyện Tương Dương, Yên Thành, Diễn Châu. Tang vật thu được gồm rất nhiều loại mỹ phẩm, trong đó nhiều nhất là nước súc miệng Listerine Thái Lan giả và dung dịch vệ sinh phụ nữ của một hãng nổi tiếng trong nước bị làm giả. Tiến hành khám xét đồng loạt ngay sau đó tại 8 hộ dân ở xã Diễn Kim (Diễn Châu) cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ nhiều mặt hàng giả có giá trị hàng trăm triệu đồng. Phòng PC 46 cũng nhanh chóng xác định: Trong một thời gian ngắn các đối tượng đã tuồn bán trên thị trường Nghệ An 6.000 sản phẩm Listerine giả và 8.000 sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ giả, chưa kể rất nhiều chủng loại hàng giả khác như: dầu gió, băng vệ sinh phụ nữ cùng mỹ phẩm giả các loại.
images1126802_h_ng_gi__dua_v__co_quan_di_u_tra.jpgĐối tượng Tùng và Phước cùng tang vật vụ án.
Nhận định các loại hàng giả này được sản xuất từ các nơi khác tuồn về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ta. Muốn ngăn chặn được các mặt hàng giả này phải triệt phá tận gốc ổ nhóm sản xuất. Phòng PC 46 đã báo cáo với cấp trên và được lãnh đạo Công an tỉnh đồng ý lập Chuyên án 124G mở rộng điều tra vụ án. Mục đích là phải “vào hang bắt cọp”, truy xét tận cùng đường dây làm hàng giả. Tuy nhiên, khó khăn lớn cho Ban Chuyên án là các mặt hàng giả được vận chuyển, buôn bán qua nhiều đối tượng trung gian, địa bàn rộng lớn khắp cả nước nên phải tìm ra manh mối, địa chỉ cụ thể.
 
Để đẩy nhanh tiến độ phá án, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó Giám đốc Công an tỉnh - Thủ trưởng cơ quan điều tra đã đồng ý “xuất tướng”. Đích thân Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm - Trưởng Phòng PC46 nhận trọng trách “lĩnh ấn tiên phong” cùng với các trinh sát vào tận Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) để điều tra, đánh án.
 
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, đây là quyết định vô cùng táo bạo. Bởi lẽ việc tiến hành công tác điều tra tại một địa bàn rộng lớn, đông dân cư như TP.HCM hoàn toàn không đơn giản. Trong khi đó, mục tiêu mà Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Nghệ An và Ban Chuyên án đặt ra nhất định phải đạt cho bằng được 4 mục tiêu: Tìm được cơ sở sản xuất, pha chế hàng giả; Xác minh địa chỉ xưởng thổi chai, in bao bì. Đối tượng “trùm sỏ” là ai, nhân thân, đặc điểm nhân dạng như thế nào, nhà ở đâu? Địa điểm đánh án được xác định tại 36/3z - đường Quang Trung - phường 11 - Quận Gò Vấp có đúng như nguồn tin cung cấp hay không? 
 
Bắt cọp tại hang hùm
 
Để mục tiêu đề ra được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, các mũi trinh sát được thống nhất triển khai độc lập. Ròng rã nhiều ngày đêm, các cán bộ, chiến sỹ Ban Chuyên án phải luồn từng con hẻm, rà từng ngách phố. Nhớ lại những ngày tác nghiệp tại TP. HCM, thiếu tá Hồ Sỹ Dương - Đội 5 - PC46 Công an Nghệ An nói rằng, có rất nhiều khó khăn phải trải qua. Địa bàn TP. HCM vừa rất rộng, vừa đông người, trong khi đó, đối tượng trùm đường dây này rất tinh vi. Đối tượng không bao giờ lộ diện qua các giao dịch, chỉ liên lạc và tiến hành mua bán qua điện thoại. Khách hàng cũng không biết địa chỉ cơ sở sản xuất cũng như địa chỉ nhà của đối tượng cầm đầu. Ấy vậy mà tại Nghệ An, thông qua đường dây này cơ quan cảnh sát điều tra đã xác minh chỉ trong thời gian ngắn có hàng trăm triệu đồng được chuyển qua tài khoản vào TP. HCM. Tuy nhiên, qua nhiều ngày theo dõi, nắm rõ hoạt động và hang ổ của các đối tượng sản xuất hàng giả, Ban Chuyên án quyết định “cất lưới”.
 
Rạng sáng 28/1/2015, với sự phối hợp hỗ trợ của Công an TP. HCM, Ban Chuyên án 124G - PC46 đồng loạt ra quân, thực hiện lệnh bắt, khám xét đồng loạt 3 cơ sở sản xuất hàng giả tại quận Gò Vấp và quận 12, TP. HCM do 2 đối tượng cầm đầu là Thân Hữu Phước (SN 1974), trú tại phường 11, quận Gò Vấp (TP. HCM) và đối tượng Lương Thanh Tùng (SN 1982), trú tại đường Đông Hưng Thuận 2, phường 11, quận 12 (TP. HCM).
 
Tại các địa chỉ nói trên, Ban chuyên án đã bắt quả tang và thu giữ khoảng 15 tấn hàng giả và nguyên liệu liên quan dùng để sản xuất hàng chục loại hàng giả. Trong đó 2 loại hàng giả chủ đạo là nước súc miệng Listerine giả Thái Lan và dung dịch vệ sinh phụ nữ của một hãng nổi tiếng trong nước sản xuất. Riêng Listerine, tại hiện trường, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An xác định có khoảng 1 tấn dung dịch, hóa chất đã đóng chai thành phẩm. Đặc biệt nước súc miệng này không chỉ bị làm giả hàng Thái Lan mà các đối tượng đã làm giả cả tem chống hàng giả. Còn đối với dung dịch vệ sinh phụ nữ, ngoài những lô sản phẩm đã được đóng chai với tem, nhãn giả thì vẫn còn khoảng 5 tấn được pha chế sẵn đựng trong các phuy nhựa. Không chỉ có vậy, đối tượng Thân Hữu Phước còn chỉ đạo sản xuất nhiều loại mỹ phẩm giả khác như: kem lột da mặt, lăn nách, dầu gió... Tại hiện trường có một lượng rất lớn tem, nhãn, thùng, hộp, bao bì làm giả các hãng mỹ phẩm cao cấp của nước ngoài chưa kịp đóng gói. Ban Chuyên án thu giữ 15 tấn hàng giả và các nguyên liệu, phụ kiện liên quan có giá trị tương đương hàng thật khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các máy móc, phương tiện sản xuất hàng giả cùng nhiều tài liệu quan trọng và đối tượng liên quan cũng bị tịch thu, bắt giữ.
 
Chân dung “nhà sáng chế” 
 
Cơ sở của Thân Hữu Phước trá hình dưới việc sản xuất một số mỹ phẩm có đăng ký tại Sở KH&CN và KH&ĐT TP. HCM. Dưới vỏ bọc không thể hoàn hảo hơn ấy, Thân Hữu Phước đã móc nối với các đối tượng để sản xuất các loại hàng giả của các hãng nổi tiếng. Phước khai với “kiến thức” của một người từng là thợ làm thuốc nhộm tóc và sơn móng tay, y mua các loại nguyên liệu, hóa chất trôi nổi ở chợ Bến Thành về tự pha chế thành các sản phẩm, mua các nhãn mác, tem chống hàng giả để che đậy cho hành vi của mình.
 
Mắt xích quan trọng của đường dây này là đối tượng Lương Thanh Tùng. Tùng vừa là “bạn hàng”, vừa là đầu mối phân phối hàng giả do Thân Hữu Phước tạo ra. Theo khai nhận ban đầu của Phước, tất cả hàng giả đều do Tùng đặt mua, phân phối. Mặc dù Thân Hữu Phước và Phan Thanh Tùng quanh co rằng, chỉ mới làm và phân phối các loại mỹ phẩm giả từ mấy tháng nay, nhưng theo xác minh của Phòng PC 46 - Công an Nghệ An thì các đối tượng này ít nhất đã hoạt động vi phạm pháp luật từ hơn 2 năm nay.
 
“Chúng cháu đợi ngày này lâu lắm rồi!”
 
Đó là những chia sẻ của nhiều công nhân làm trong các kho, xưởng sản xuất do Thân Hữu Phước làm chủ. Tại cơ sở sản xuất, Thân Hữu Phước tuyển chọn 12 công nhân, tuổi từ 15 đến 19. Các lao động đều có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Trước khi nhận vào làm việc cho mình, Thân Hữu Phước đều “điều tra”, tìm hiểu gia cảnh từng người. Chính vì vậy, khi đã vào làm việc, Phước luôn dùng nhiều hình thức đe dọa công nhân. Mục đích của hắn là tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình. Tất cả mọi người đều phải giao nộp Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân cho Phước cầm giữ. Tiền công hằng tháng Phước trả nhỏ giọt và gần như tuyệt đối công nhân không được rời khỏi cơ sở sản xuất mà phải ăn ngủ tại chỗ.
 
Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm cũng cho biết, chính các cháu trong cơ sở sản xuất của Thân Hữu Phước đã tìm nhiều cách bí mật liên lạc, cung cấp thông tin về địa điểm giấu hàng giả cho Ban Chuyên án. Điều đặc biệt, sau khi phá án, hoàn tất các thủ tục, Ban Chuyên án đã yêu cầu Thân Hữu Phước cùng gia đình trả toàn bộ tiền công còn nợ của các công nhân. Ngay sau đó, các em đã được trở về với gia đình. Bà con lối xóm trong khu vực cũng rất vui, hân hoan vì cơ quan công an đã triệt phá thành công tụ điểm gây nhức nhối nhiều năm nay. 
 
Bài, ảnh: Chuyên - Tuấn