TS Lê Trường Tùng cho biết dữ liệu thi THPT 2018 là khoảng gần 1 triệu thí sinh với hơn 5 triệu bài thi. Phân tích tỷ lệ bài thi điểm cao cho 3 khối thi chỉ gồm các môn thi trắc nghiệm là thi A, A1 và B. Sẽ chia làm 3 mức điểm cao là 24, 25.5 và 27 ứng với điểm trung bình mỗi môn là 8, 8.5 và 9.
Chuyển sang khối A1, Hà Giang vẫn nổi trội. Lai Châu cũng bắt đầu xuất hiện, nổi trội lên hai 2 địa danh là Sơn La và Hòa Bình. “Top 4 địa phương có tỷ lệ thí sinh khối A1 từ 25,5 điểm trở lên cao nhất toàn quốc theo thứ tự là Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La. Còn top 3 tỷ lệ thí sinh 27 điểm trở lên là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình” - TS Lê Trường Tùng cho hay.
Chia theo tỷ lệ phần trăm có thể thấy rất rõ. Ngưỡng điểm 25,5, Hà Giang có 4,525% thí sinh đạt mức điểm này so với tổng số thí sinh trên toàn tỉnh; Tỷ lệ này tại Lai Châu 1,095%; 0,816%; Sơn La 0,772%. Trong khi mức toàn quốc chỉ là 0,117%, Hà Nội 0,3% và TPHCM 0,107%,
Ở mức điểm 27, tỷ lệ của Hà Giang là 4,084%, Sơn La 0,68%. Trong khi đó, toàn quốc chỉ là 0,022%, TPHCM là 0,004% và Hà Nội là 0,014%.
Đối với khối B, Kon Tum và Điện Biên chiếm ngôi vô địch trong tỷ lệ thí sinh điểm cao. Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh khối B đạt 24 điểm trở lên là Kon Tum (0,939%) và Điện Biên (0,892%). Trong khi Hà Nội chỉ 0,453% và TPHCM là 0,542%.
Đứng đầu các địa phương có tỷ lệ thí sinh 25,5 điểm trở lên là Hà Giang 0,574%, Lai Châu 0,459%, Kon Tum 0,438% và Điện Biên 0,51%. Và đứng đầu các địa phương có thí sinh khối B điểm 27 trở lên là Điện Biên (0,51%), Hà Giang (0,344%), Kon Tum (0,063%), Sơn La (0,075%).
Ông Lê Trường Tùng cho rằng phân tích sâu hơn, phân tích điểm thi cho từng môn, phân tích các khối thi khác theo cách trên sẽ có thể rút ra thêm các minh chứng thống kê cho các nghi vấn trên.
Nhưng tóm lại chỉ phân tích một cách giản đơn, có thể thấy rằng: Hà Giang nổi trội trong cả 3 khối A, A1, B, đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra và kết luận đúng là có sai phạm. Sơn La xuất hiện trong khối B, khối A1, đang được Bộ kiểm tra. Hòa Bình xuất hiện trong khối A, A1; Lai Châu xuất hiện trong khối A1 và khối B; Kon Tum, Điện Biên: “thấp thoáng” trong khối A và thực sự nổi bật trong khối B. TS Lê Trường Tùng đề nghị cần nghiêm túc xem xét những địa phương này.
Hòa Bình: Sẵn sàng mời Bộ về để “minh oan”
Chiều qua, trao đổi với báo chí, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết sau khi có những thông tin như báo chí nêu, ông đã báo cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 Hòa Bình. Theo ông Đắc, trưởng phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hòa Bình đã báo cáo trực tiếp và khẳng định, kết quả chấm phản ánh một cách khách quan, trung thực kết quả làm bài của học sinh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình nói: “Quy trình chấm Hòa Bình rất rõ ràng, chúng tôi đảm bảo kết quả rất khách quan, trung thực và không có sự can thiệp của bất cứ ai vào kết quả. Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình đã nói là nếu Bộ thấy cần thiết thì Bộ có thể thực hiện việc chấm thẩm định. Hòa Bình sẵn sàng”- ông Vinh khẳng định.
“Tôi khẳng định điều ấy và nếu cần thiết Bộ có thể cho chấm lại. Chấm lại bao nhiêu cũng được, chấm tất cũng được, cho đàng hoàng. Còn hỏi điểm vì sao nó cao thì chúng tôi cũng không trả lời được” - ông Vinh chia sẻ.