Ngày mai, hơn 900 thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. Trước thềm kỳ thi, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về các vấn đề liên quan.
Đề thi không làm khó thí sinh
- Thưa ông, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 đã hoàn tất?
Ông Mai Văn Trinh: Có thể khẳng định mọi công tác chuẩn bị trong cả nước đã hoàn tất và sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động và sớm ban hành các văn bản như Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi, hướng dẫn ôn tập, tổ chức tập huấn nghiệp coi thi, sử dụng phần mềm, đã gửi công văn bản đến các ban ngành liên quan, các uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố để tăng cường công tác phối hợp tổ chức thi.
Bộ cũng đã có các đoàn thanh kiểm tra đến một số hội đồng thi ở các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương rất chủ động, có trách nhiệm, sáng tạo trong việc tổ chức thi, nhất là với những buổi có hai ca thi. Các địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có những thuận lợi nhất cho học sinh. Công tác chuẩn bị đề thi đã hoàn tất, thực hiện đúng quy trình.
- Thưa ông, vấn đề thí sinh quan tâm nhất thời điểm này có lẽ là đề thi. Ông có thể “bật mí” gì về đề thi năm nay?
Ông Mai Văn Trinh: Đúng là phụ huynh, cả các giáo viên và đặc biệt là học sinh rất quan tâm đến đề thi. Về nguyên tắc, đề thi sẽ phù hợp với thời gian làm bài của môn đó và đặc biệt là phù hợp với mục tiêu kỳ, làm sao đảm bảo độ tin cậy đánh giá được mức độ của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đề thi năm nay có điểm mới ở hai môn: Môn ngữ văn có phần đọc hiểu, ngoại ngữ có thi viết. Tuy nhiên, chúng tôi đảm bảo rằng sự đổi mới này là có lộ trình. Tất cả các nội dung này đã được hướng dẫn, được giáo viên ôn tập. Phần câu hỏi mở thì đã được thực hiện nhiều năm nay trong kỳ thi tốt nghiệp cũng như thi đại học.
Các em học sinh hãy tự tin, đề không làm khó các em. Thậm chí các em còn có thuận lợi hơn ở chỗ năm nay, đề không phải yêu cầu nặng về việc phải nhớ máy móc sự kiện, kiến thức có sẵn mà các em có thể vận dụng linh hoạt kiến thức để giải quyết vấn đề.
- Cùng với cách ra đề thì một trong những điểm mới của năm nay cũng được thí sinh, phụ huynh quan tâm trong việc tổ chức thi ngày mai, đó là an ninh, an toàn của trường thi, của thí sinh khi một ngày 3 ca thi, và có em phải chờ đợi giữa hai ca. Bộ cũng như các hội đồng thi đã có chuẩn bị gì cho vấn đề này?
Ông Mai Văn Trinh:Năm nay thí sinh được chọn môn thi nên có buổi thi gồm hai môn, cả ngày có 3 môn thi. Việc sắp xếp lịch thi đã được Bộ cân nhắc kỹ lưỡng, có tham khảo ý kiến của các cơ sở. Theo đó, Bộ đã tiên liệu về tỷ lệ thí sinh chọn từng môn và sắp xếp môn thi thứ 2 là môn ít được chọn để giảm tối đa số thí sinh phải chờ đợi giữa hai ca thi.
Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tuỳ vào tình hình thực tế của mình có các điều kiện đảm bảo an ninh, an toan cho trường thi. Qua kiểm tra cho thấy địa phương có cách làm linh hoạt. Ví dụ như Hà Nội sử dụng các trường tiểu học, trung học cơ sở ở gần khu vực thi làm nơi cho học sinh, phụ huynh nghỉ ngơi, có địa phương thì đóng rạp, bố trí bảo vệ để đảm bảo an toàn, anh ninh.
- Điểm mới lớn nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có lẽ là việc thay đổi cách xét đỗ tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi thay vì quyết định 100% sự đỗ-trượt của các em như mọi năm thì năm nay chỉ chiếm 50% trọng số, 50% còn lại là điểm học lực lớp 12. Điều này giúp kỳ thi bớt căng thẳng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ “chạy” điểm. Vậy, Bộ đã có giải pháp gì để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh:Theo quy chế, toàn bộ các khâu của quá trình tổ chức thi được phân cấp cho các sở. Do đó, điểm trung bình lớp 12 cũng được các sở quản lý và cập nhật.
Qua kiểm tra cho thấy, các sở rất chủ động trong việc có các giải pháo quản lý để đảm bảo tính khách quan, đặc biệt là phòng ngừa các hiện tượng “phóng điểm”.
Hiện phần lớn các trường đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, tỷ lệ này ở trường trung học phổ thông là khoảng 80%, trung tâm giáo dục thường xuyên là 50%. Giải pháp công nghệ này rất thuận lợi trong quản lý.
Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt ở đây cũng phát huy vai trò giám sát của học sinh để làm sao công tác quản lý chặt chẽ. Chẳng hạn, mới đây, ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh, có hiện tượng nâng điểm ở kỳ thi giữa kỳ, đã bị học sinh, phụ huynh phản ánh.
Quan điểm của bộ là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế, đặc biệt là liên quan đến đức nhà giáo.
- Hôm nay các thí sinh sẽ nhận phòng thi, nghe phổ biến quy chế và ngày mai chính thức bước vào môn thi đầu tiên. Ông có lời khuyên gì cho các em?
Ông Mai Văn Trinh:Các thí sinh hãy lưu ý giữ gìn sức khoẻ, tự tin làm bài tốt, đặc biệt phải tuân thủ quy chế, không mang vào phòng thi vật dụng trái quy định. Các em cũng cần chú ý nhớ lịch thi. Lịch thi đã được thông báo ở hội đồng thi, được ghi rõ ở thẻ dự thi của các em. Tôi xin chúc các em hoàn thành tốt các bài thi!
- Xin cảm ơn ông!
Theo Việt Nam +