Đập đầu vào tường vì... làm kịch bản
- Chuyên mục "Điểm tuần" hiện đang rất được khán giả quan tâm, trong vai trò MC-BTV, người dẫn chương trình, chị cũng được ưu ái với biệt danh “chị cà khịa” VTV. Chị cảm nhận thế nào?
Không phải đến bây giờ tôi mới gắn với tính từ “cà khịa”. Khi mới vào Đài, tôi viết kịch bản tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần, Táo quân cho VFC, sau đấy đầu quân sang VTV6 làm Bản tin Cua. Tất cả những chương trình đó đều mang tính “cà khịa”, phê phán những hiện tượng tiêu cực của xã hội theo góc nhìn hài hước.
Nói vậy để thấy từ trước đến nay, với đồng nghiệp, “cà khịa” là bản chất của tôi, chứ không phải đến giờ mới có. Chỉ là hiện tại mạng xã hội phát triển, thông tin có tính lan truyền nhanh hơn, nên được gắn với biệt danh ấy, tôi thấy không có gì lạ cả.
- Nhiều người tò mò, làm thế nào để khán giả đón nhận những điểm tin tuần với tiếng cười thâm thúy và sâu cay nhưng vẫn nhẹ nhàng và dễ chấp nhận?
Thật sự rất khó để viết một kịch bản hay và tôi hay ví như đập đầu vào tường ấy. Rất nhiều lần, gần đến giờ lên sóng mà tôi vẫn chưa xong kịch bản. Dĩ nhiên chúng tôi có một công thức chung: liệt kê các sự kiện nổi bật, hòa thêm một số xu hướng đình đám trên mạng xã hội để khán giả trẻ dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, sẽ rất khó nếu tuần đó không có trào lưu hoặc thông tin đáng bàn.
Sự tiết chế, cân bằng giữa các yếu tố xu hướng và chính thống cũng là một thách thức. Không chỉ một mà đến 2 lần tôi bị đổ sóng. Tức là chuyên mục bị hủy, tổ chức sản xuất bản tin hôm đó phải tìm các tin bài khác thay thế. Bởi khi xét duyệt kịch bản, sếp nói rằng bản tin của tôi mang yếu tố mạng xã hội nhiều quá, không thích hợp phát sóng trên VTV1. Mình chạy theo xu hướng không sai, nhưng phải có giới hạn, biết đâu là điểm dừng để đảm bảo tính chính thống của tin tức phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia.
- Sau những lần đổ sóng, chị rút ra bài học gì?
Đối với một bản tin chính luận, phát sóng trên kênh VTV1 thông điệp mình truyền tải cần phải có tác động xã hội sâu rộng, theo một hướng tích cực. Đó mới là điều quan trọng. Nếu một bản tin mang màu sắc “cà khịa”, nhưng lại chỉ phê phán những đối tượng nhỏ lẻ, chỉ đủ để khiến dân mạng hả hê thì không nên thực hiện, bởi đó không phải và chưa bao giờ là tiêu chí phát sóng của chúng tôi.
Công việc này thật sự rất nguy hiểm, nói nôm na như thể mình đang đi trên dây ấy. BTV phải làm thế nào để không mang tiếng chạy theo trào lưu, chiều theo thị hiếu mà vẫn giữ được bản sắc, sự sáng tạo trong cách thức thể hiện. Như thế mới là tốt.
- Tôi rất thích cách chị ví von về quá trình tổ chức sản xuất Điểm tuần như “đi trên dây”. Đầu tư nhiều chất xám, phải đặc biệt cẩn trọng khi truyền tải thông điệp, còn điều gì khán giả chưa biết phía sau hậu trường?
Áp lực thời gian! Thường thì chiều tối thứ 6 đến rạng sáng thứ 7, tôi sẽ thức nguyên đêm để viết và chuẩn bị chất liệu cho chuyên mục Điểm tuần. Khi vừa xong kịch bản cũng đến 10h30, cận kề giờ phát sóng.
Kể câu chuyện vui, lần gần đây nhất khi thấy tôi mệt quá ngủ thiếp đi trên ghế sofa, có 1 đồng nghiệp lại gần tôi và gọi: “Chị Hiền ơi, chị có sao không? Em tưởng chị ngất rồi”. Nói vậy để thấy trước giờ lên hình, vì áp lực, tôi khác một trời một vực, tiều tụy, đầu tóc rối bù. Sau đấy, khi được trang điểm, thay phục trang chúng tôi mới thực sự lột xác.
Hơn một lần nghĩ về chuyện nghỉ việc
- Nghe nói, không phải chỉ với Điểm tuần, chị mới chuyên tâm như vậy, trước đó, chị nổi tiếng là người nhiệt huyết và chăm chỉ cống hiến cho sự nghiệp truyền hình đến mức mất đi nhiều mối quan hệ. Điều này có đúng không?
Bén duyên từ một lần viết kịch bản tiểu phẩm cho chương trìnhGặp nhau cuối tuần, tôi bước vào VTV với tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết, nhiều hoài bão. Có thời gian tôi chỉ ở Đài, miệt mài làm việc, mọi sinh hoạt ăn, ngủ đều diễn ra trong phòng dựng hậu kỳ.
Đặc biệt là khi mới đầu quân cho VTV6, các trang thiết bị lúc đó tương đối thiếu thốn nên áp lực về thời gian càng căng thẳng hơn. Đến một ngày tôi nhận ra, các bạn không còn rủ mình đi họp lớp, đi chơi nữa. Vì nhiều lần rủ tôi không được. Ngay cả khi chị gái tôi sinh em bé, tôi cũng không có thời gian sang thăm. Đến khi cháu tròn 3 tháng tôi mới thu xếp công việc, sang chơi với cháu được một chút.
Có thể nói đó là một sự đánh đổi. Tất cả các mối quan hệ bạn bè, gia đình đều ngắt quãng trong khoảng thời gian đó. Nên khi trưởng thành hơn, tôi đã học cách cân đối giữa công việc và cuộc sống.
- Đã khi nào chị thấy mệt giữa những guồng quay?
Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi. Tôi cũng từng có đôi lần nghĩ về việc rời VTV, làm một công việc khác. Nhưng có thể cái duyên vẫn chưa hết mà mình vẫn yêu nghề nên tôi vẫn trụ được đến thời điểm này.
- Và việc được đề cử trong danh sách “BTV - Người dẫn chương trình ấn tượng” của VTV Awards 2021 có thể nói là trái ngọt của chị sau nhiều năm miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ?
Thật sự khi được đề cử, tôi rất bất ngờ, vui và tự hào nữa. Bất ngờ là bởi tại Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) có rất nhiều MC giỏi, nổi tiếng, đã gắn bó lâu năm với nghề, xứng đáng được ghi nhận.
Tôi vui và tự hào là bởi những cống hiến của mình đã được ghi nhận. Tôi nghĩ không phải từ sự ưu ái gần đây trên các trang mạng xã hội, mà lãnh đạo trung tâm đã suy xét đến sự nỗ lực trong hành trình 14 năm tôi gắn với truyền hình, trong đó có 4 năm đồng hành cùng chuyên mục Điểm tuần.
- Thư Hiền của ngày hôm nay trước khán giả có gì giống và khác với Thư Hiền của 14 năm trước, khi đảm trách những chương trình của VTV6?
Thư Hiền của ngày hôm nay đã bản lĩnh và tiết chế hơn rất nhiều. Sau những sự cố, vấp ngã, tôi càng hiểu hơn về tầm ảnh hưởng của một người làm truyền hình. Khi đảm nhận việc dẫn dắt một chương trình chính luận trên sóng VTV, mỗi phát ngôn đều đại diện cho quan điểm, uy tín của cơ quan, cần đặc biệt cẩn trọng.
So với hồi mới vào nghề thì hiện tại, tôi biết điều, khiêm tốn hơn rất nhiều. Tôi hiểu rằng ngoài kia có rất nhiều người tài giỏi hơn mình, mình chỉ là một phần rất nhỏ trong guồng quay của bộ máy này mà thôi. Nhiệm vụ của mình là hoàn thành tốt công việc, vượt qua chính mình của ngày hôm qua, trở thành bản thế tốt hơn của ngày mai. Như vậy đã là tốt rồi, không nên quá kỳ vọng và mong đợi làm được một điều gì đó vĩ đại.