(Baonghean) - Xác định đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động bộ máy hành chính Nhà nước, năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức…
 
Tạo môi trường “thử lửa”
 
Tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Xây dựng cầu đường ở Pháp, có nhiều cơ hội về việc làm, nhưng chàng trai trẻ Phan Văn Tiến, sinh năm 1984 lại quyết định về công tác ở Trường Đại học Vinh qua hình thức tuyển thẳng. Ngoài mong muốn “được cống hiến cho quê hương”, thì chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc thuận lợi, cơ hội khẳng định mình... là yếu tố thu hút anh về làm việc tại quê nhà. Sau hơn một năm, Tiến đã trở thành trợ lý đào tạo trẻ uy tín của Khoa Xây dựng. Cũng thuộc trường hợp tuyển thẳng từ nơi khác về và nhanh chóng khẳng định được năng lực bản thân, còn có giảng viên trẻ sinh năm 1981 Nguyễn Cẩn Ngôn (tiến sỹ Cầu đường đào tạo ở Pháp) và Hồ Thùy Lê, sinh năm 1989 với tấm bằng thạc sỹ Kinh tế ở Úc.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Đại học Vinh cho rằng: Không phải những người làm thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài không muốn về quê hương để làm việc, mà vấn đề là khi về họ có môi trường để thử sức, khẳng định bản thân và cống hiến hay không? Nhiều năm trở lại đây, Đại học Vinh đã xây dựng những cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc ưu tiên bổ nhiệm những vị trí quan trọng cho những người có học vị tiến sỹ. Theo đó, có cán bộ mới 28 tuổi là trưởng bộ môn, 34 tuổi là phó trưởng khoa.
 
images1111253_ky_su.jpgHai tiến sỹ ngành xây dựng cầu đường Phan Văn Tiến (áo đỏ) Nguyễn Cẩn Ngôn (đeo kính) trao đổi với đồng nghiệp
 
Ở Báo Nghệ An, dù hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, nhưng tòa soạn đã xây dựng được môi trường làm việc tương đối bài bản, làm và hưởng theo năng lực, có cơ chế thưởng, phạt công minh, dân chủ và khách quan. Cán bộ trẻ có năng lực được tạo môi trường để rèn luyện, thử thách khẳng định bản thân và được tin tưởng bổ nhiệm vào đội ngũ cốt cán trong cơ quan và ngược lại, cũng có thể bị miễn nhiệm, điều chuyển nếu không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, trong những năm qua Báo đã thu hút được nhiều người trẻ có năng lực trong, ngoài tỉnh và cả người học ở nước ngoài về công tác như phóng viên trẻ Lê Thục Anh,  sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học ở Pháp. Trước khi về Báo Nghệ An làm việc, Thục Anh đã có thời gian dài làm cộng tác viên với những bài viết sắc sảo liên tục lọt vào top bình chọn tin, bài hay hàng tuần.
 
Là một trong những người về quê hương công tác theo diện thu hút đợt đầu tiên với tấm bằng đỏ chuyên ngành quản lý xã hội (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Thạc sỹ Bùi Văn Hưng - hiện là Chánh Văn Phòng Sở LĐ-TB& XH cho rằng, được giao đảm nhận những “khâu khó, việc mới” cũng chính là môi trường để “thử lửa” tâm, tài người cán bộ. Vượt qua thử thách tức là người cán bộ đã trưởng thành và khẳng định năng lực của mình. Trên thực tế,  phần lớn những người trong diện thu hút của tỉnh đã phát huy vai trò, vị trí của mình nơi công tác như Hoàng Thị Thu Trang (sinh năm 1981), nguyên là Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, nay là Cục phó Cục Thi hành án tỉnh; Lê Văn Hưng (thu hút năm 2001), tốt nghiệp loại giỏi, Khoa Môi trường, Trường KHTN Đại học Quốc gia Hà Nội, về Sở Tài nguyên & Môi trường, nay là Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường…  
 
Rất nhiều cán bộ trẻ mà chúng tôi đã gặp trong Dự án đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã các huyện vùng cao đều bày tỏ quyết tâm “cống hiến và khẳng định bản thân bằng những trải nghiệm thực tiễn ở môi trường khó khăn. Trên thực tế, nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, họ đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại nơi công tác. Nhiều đội viên đội trí thức trẻ được tuyển dụng vào công chức xã, viên chức ngành Giáo dục... Một số đội viên được kết nạp Đảng, được đưa vào quy hoạch cấp huyện, qua đó đã góp phần tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho những xã nghèo.
 
Từ năm 1999 đến năm 2014, tỉnh ta đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với tổng số 523 người, trong đó, năm 2014 thay vì tuyển dụng qua thi tuyển công chức, tỉnh ta thực hiện tuyển thẳng “nhân tài”. Kết quả đã xét tuyển được 70 người, trong đó có cả khối huyện, thị như Đô Lương, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Tương Dương, Thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Thị xã Hoàng Mai… Đây là con số ấn tượng nhất từ trước đến nay. Theo đánh giá của các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, đa số họ phát huy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
 
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
 
Nghị quyết số 17/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã chỉ rõ: “Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, thì yếu tố con người, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó công chức hành chính là yếu tố quyết định”. Từ yêu cầu nêu trên, trong năm 2014, ngoài kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC tại một số sở, ngành đầu mối, các đoàn công tác liên ngành đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị số 17- CT/TU của BTV Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10 của UBND  tỉnh nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối, thái độ làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và của từng cơ quan, đơn vị. Nét mới là việc kiểm tra đã được thực hiện bằng hình thức kiểm tra đột xuất, nên tránh được sự đối phó. Theo ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thì chuyển biến rõ nhất là giảm nhiều tình trạng đi làm muộn, về sớm, sử dụng thời giờ hành chính vào việc riêng, uống rượu, bia trong giờ hành chính...
 
Xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch một cửa huyện Quỳnh Lưu.
 
Cũng trong năm 2014, nhiều đề án, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đã được xây dựng, triển khai thực hiện như: Đề án tập trung thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; Đề án minh bạch hóa các định hướng, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; Đề án về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong Khu kinh tế Đông Nam…
 
Cùng với việc hiện đại hóa công sở, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao chất lượng chuyên môn, trong đó coi trọng tinh thần, thái độ, ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức. Tại Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, với chức năng tham mưu cho UBND trong việc hình thành, chuẩn bị đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Ban Quản lý đã xác định cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đúng pháp luật để không làm nhà đầu tư phải mất thời gian chờ đợi là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.
 
Toàn bộ các quy định đã ban hành  trước đây trong thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai, lao động đã được rà soát lại theo đúng quy định của Đề án 30 về đơn giản hoá các thủ tục hành chính và công khai hóa tại trụ sở cơ quan, trên trang web của ban và Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Trong năm 2014, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ban đã tiếp nhận 100% hồ sơ theo đúng thủ tục và thời gian quy định, số lượng giải quyết đúng hạn chiếm 97%. Còn tại Cục Thuế Nghệ An, ngoài việc tổ chức cho các doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng Internet, tiếp tục thực hiện chủ trương hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTCH), năm nay, cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ cho các tổ chức nộp thuế điện tử.
 
Đến hết tháng 11/2014, trên địa bàn tỉnh có 7.669 doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, đạt trên 95% số lượng doanh nghiệp quản lý; có 1.318 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế, trong đó đã đăng ký thành công tại ngân hàng 828 DN; có 281 DN nộp thuế thành công, với số tiền nộp ngân sách trên 93 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, Cục Thuế Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử.
 
Bên cạnh việc, chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện kỹ thuật nghiệp vụ Hải quan, trong năm 2014, Hải quan Nghệ An thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai báo hải quan thông qua hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCISS được ghi nhận, đánh giá cao. Một số địa phương như UBND Thị xã Thái Hoà cũng đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân các xã, phường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và phát sinh từ cơ sở về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách của người lao động. Một số cơ quan, đơn vị phối hợp với Bưu điện tỉnh chuyển trả hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện về địa chỉ nhà riêng hoặc cơ quan. Đây là mô hình, cách làm khá hiệu quả, kết quả giải quyết TTHC được chuyển trả an toàn, đúng hẹn theo yêu cầu của người dân.  
 
Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực tham gia cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp” giai đoạn 2013 - 2015 được nhiều cơ quan đơn vị tích cực thực hiện với mục tiêu giảm được chi phí thực hiện thủ tục hành chính trên 3 khía cạnh: thời gian; quy trình và thái độ, tinh thần trách nhiệm. Kết quả, đã có 21/25 sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh; 18/21 đơn vị cấp huyện triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức đăng ký cam kết với 145 TTHC được đề xuất giảm thời gian giải quyết. Tổng thời gian đề xuất giảm trong giải quyết TTHC là 617,5 ngày; có một số TTHC đã được đề xuất giảm thời gian giải quyết từ 15 - 27 ngày làm việc… từ đó giảm phiền hà và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
 
Tuy vậy, đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ, công chức còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính, khả năng sử dụng Tin học, Ngoại ngữ… trong hoạt động công vụ. Một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Những tồn tại, yếu kém trên đã dẫn tới sự ách tắc, trì trệ “một cửa nhiều khóa”, gây phiền hà , trở ngại trong quá trình tiếp xúc, giao dịch của tổ chức, người dân với chính quyền Nhà nước, làm lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân và mất cơ hội trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.  Trong bối cảnh hiện nay, để đưa Nghệ An thoát khỏi tỉnh nghèo và kém phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội Nghệ An, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trí tuệ, trách nhiệm, kỷ cương, công tâm, thạo việc.
 
Theo ông Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, trước hết cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí, chức danh trong bộ máy hành chính Nhà nước; xác định rõ tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ, ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, độ tuổi… phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị để tuyển chọn, bố trí, quy hoạch, đào tạo, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức một cách khoa học và hợp lý, đúng người, đúng việc. Từ đó đảm bảo người thực tài được trọng dụng và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển. 
 
 Làm tốt công tác tinh giảm biên chế, mạnh dạn loại khỏi bộ máy đội ngũ công chức “ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng công khai, minh bạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử; nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công khai đầy đủ thủ tục hành chính, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, cán bộ để nhân dân giám sát… cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức ở từng cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương.  Bởi nói như TS Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thành viên Hội đồng tư vấn rà soát thủ tục hành chính): “CCHC vẫn chỉ là câu chuyện về thủ tục, mà người gánh vác nó là cán bộ, công chức. Vì thế, tâm - tài của cán bộ mới là quyết định. Nhưng cán bộ không thể mãi giữ tâm - tài nếu không có môi trường làm việc tốt, thưởng phạt công minh”.
 
Khánh Ly