(Baonghean) - Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa ứng xử. Tùy quốc gia, dân tộc và mỗi vùng, miền, thậm chí là gia đình, dòng họ… mà hình thành nên những nét đẹp văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử. Đối với người Việt Nam, cách ứng xử thường ngày vẫn là “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, "Một điều nhịn chín điều lành" hay "Học ăn, học nói, học gói, học mở"... Ở đây, chúng tôi đề cập đến văn hóa ứng xử trong môi trường công sở hiện nay.
Câu chuyện về người bạn học cũ
3 cán bộ quản lý thị trường ở Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh bị lĩnh án vì tội nhận hối lộ, trong đó có H (sinh năm 1976, quê ở Diễn Châu) bị tuyên án 4 năm tù giam - mức án cao nhất trong 3 đối tượng. Nghe thông tin này chúng tôi bất giác liên tưởng: phải chăng gia đình đã ảnh hưởng đến nhân cách của H? Học với nhau từ hồi tiểu học nên hoàn cảnh gia đình H chúng tôi rất rõ: bố tham gia quân ngũ, đóng quân ở xa, mẹ làm ở bệnh viện nên không có nhiều thời gian chăm sóc các con. Chị gái H học chưa xong bậc THPT đã lên xe hoa vì lỡ... mang thai. Từ bé H luôn thể hiện là người bất cần, hay nói chuyện riêng, hay gây gổ với các bạn cùng lớp, cùng trường. Lên cấp 2, H là học sinh cá biệt.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, chúng tôi ai cũng lo lắng chọn trường nào để thi, sau này ra làm gì, còn H cứ hờ hững như không. Rồi chúng tôi mỗi người một ngả, mấy năm sau gặp lại đã thấy H làm việc ở cơ quan quản lý thị trường. Gặp bạn bè H hào phóng bao hết các cuộc vui. Không ai biết rõ H học trường nào, có ai hỏi, H cũng chỉ cười trừ. Thấy H có vợ con, kinh tế khá giả, chúng tôi ai cũng mừng cho bạn… Thế rồi đùng một cái nghe tin H bị bắt vì tội nhũng nhiễu, ăn hối lộ, bạn bè có người thương cảm, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “ăn nhiều rồi bây giờ mới lòi đuôi”, “có như thế mới nhanh giàu được chứ”, “chả trách gì mà thoáng thế”… Việc H vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ là điều đáng trách, thế nhưng phải chăng hậu quả hôm nay có một phần trách nhiệm không nhỏ của những người làm cha, làm mẹ. Liệu bố mẹ H có nhận ra điều đó hay không?
Chuyện của bạn tôi chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về các vụ việc mà thời gian qua đã bị các cơ quan pháp luật phanh phui, làm rõ, dần trả lại sự trong sạch cho bộ máy công quyền. Còn có một trào lưu “văn hóa” khác đang ngày càng hiện hữu, đó là “văn hóa phong bì” – được nhiều người coi là căn bệnh trầm kha khó chữa. Xưa ông bà ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện” để nói lên văn hóa ứng xử của người xưa khi đến với nhau chỉ có miếng trầu têm cánh phượng dân giã, nhỏ xinh ấm đượm tình người. Vị thơm nồng của trầu, cay đằm của vôi hòa quyện với vị ngọt của cau, sao làm cho con người ta dễ xích lại gần nhau đến thế.
Vậy nhưng ngày nay, với sự “sáng tạo” đến mức trở thành “trơ trẽn”, văn hóa “trầu cau” lại được thay thế bởi văn hóa “phong bì”. Thầy giáo Nguyễn Trọng Bé - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cho rằng: “Đi đâu và làm gì cũng cần có cái phong bì đi theo. Phong bì như một “công cụ bôi trơn” để chúng ta có thể giải quyết công việc một cách nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn. Thực ra, người “nhận” không hề đòi hỏi nhưng nếu người “cần” không có “cái gì” thì hầu hết công việc sẽ rất khó trôi chảy: nào là anh cứ để tài liệu đấy em xem; nào là dạo này một núi công việc; rồi lại còn việc này liên quan đến nhiều khâu lắm... và sau nhiều cuộc hẹn, nhiều lần đi lại, bổ sung giấy tờ, thủ tục này kia thì người “cần” cũng sẽ phải “nhận ra” và có cách “làm việc” linh hoạt, năng động, hiệu quả hơn. Không ít trong chúng ta đã nhiều lần băn khoăn: Phải chăng mình cũng đang bị cuốn theo vòng xoáy đó… để rồi cuối cùng ‘tặc lưỡi” tiếp tục “điều chỉnh” cho phù hợp với xã hội, với điều mà số đông đang “chấp nhận”.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP. Vinh.
Ảnh: Lâm Yến
Công chức bây giờ
Rất nhiều người dân đến các cơ quan, công sở giao dịch đều có chung nhận xét: công chức, viên chức ngày nay làm việc sướng thật: Khuôn viên xanh – sạch – đẹp, phòng làm việc có máy lạnh; việc ghi chép, soạn thảo biên bản, công văn, báo cáo đã có “ví tính”, trao đổi thông tin, văn bản, nội dung làm việc có mạng Internet hỗ trợ; họp hành, công tác, đi lại có ô tô, xe máy rất thuận lợi, nhanh chóng… Vậy nhưng, không thấy chất lượng và số lượng công việc tăng lên là mấy.
Thậm chí còn rất biết “khai thác” thế mạnh của công nghệ theo chiều tiêu cực như hiện tượng cóp, dán báo cáo đang dần trở nên phổ biến và trở thành “kinh nghiệm” quý trong giới công chức bàn giấy. Bộ phận tiếp xúc với dân thì làm việc hời hợi, thái độ cáu gắt thiếu văn hóa, chưa hết giờ đã đóng cửa, đó là chưa kể có không ít cán bộ công chức nhũng nhiễu, ăn chặn tiền của dân, tham ô, lạm quyền… Nhiều cán bộ công chức trong giờ tiếp dân, giờ làm việc vẫn sặc mùi rượu, cơ quan có biển cấm hút thuốc lá mà vẫn ngang nhiên hút như không…
Phải chăng, ngày xưa cán bộ nhà nước chỉ với chiếc xe đạp cà tàng đi khắp nơi, làm việc dưới hầm, dưới đất, ăn ngủ cùng với dân nên hiểu dân, biết dân cần gì để lo cho dân, giải quyết cho dân mà thành ra đạt hiệu quả cao trong công việc. Nhờ vậy mà đã đánh đuổi được hai, ba đế quốc, giải phóng đất nước, xây dựng quê hương, đất nước đẹp giàu như hôm nay. Một người dân ở phường Bến Thủy bức xúc: Chúng tôi ngại đến các cơ quan công quyền lắm. Chỉ có cái chuyện đi xin công chứng ở “một cửa” của phường thôi cũng đã thấy phiền phức rồi.
Hôm nọ tôi đi công chứng sổ hộ khẩu, bìa đất, đến bộ phận “một cửa” của phường, nhìn đồng hồ thấy hơn 2h mà cán bộ “một cửa” vẫn chưa có động thái gì: người thì đang buôn điện thoại, người thì mở mạng ra xem, trong lúc có rất nhiều người dân đang đợi. Ngồi hơn 10 phút vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi đánh liều hỏi: Anh ơi hôm nay có tiếp dân không, em thấy hơn 2h rồi đấy. Lúc đó anh cán bộ trẻ mới ngẩng mặt lên hỏi: Chị làm gì thế? Về nhà tôi kể chuyện cho bố chồng nghe, ông mới bảo: Hôm sau con muốn công chứng thì nhờ bố đi cho, con không quen nên khó làm. Nghe ông nói, mình nghĩ chắc ông là cựu chiến binh nên cán bộ phường nể hơn?
Không hiểu vì sao một số cán bộ, công chức lại nhanh “biến hóa” đến thế? Do cơ chế thị trường như câu nói cửa miệng của một số người; hay do những công chức đó “bị” lãnh cảm, dị ứng với nhân dân; hay vì đồng lương thấp khiến nhiều người cho rằng “tiền nào thì của nấy”, thu nhập vậy thì cũng chỉ làm việc đến mức độ đó; hay các công chức còn “bận” toan tính, lo lắng, tư duy về những việc cao hơn, xa hơn mà quên mất nhiệm vụ chính mà mình đang thực thi…
Văn hóa công sở
Tuy nhiên, bên cạnh những “con sâu” không phải không có rất nhiều những gương mặt, cá nhân công chức, viên chức mẫn cán, tận tụy, vì dân. Ông Nguyễn Xuân Đô - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho rằng: Văn hóa công sở cần phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, đối với mọi đối tượng nơi công sở. Không chỉ người cán bộ công chức, viên chức mới phải có nghĩa vụ thực thi tốt nhiệm vụ được giao, mà người đến làm việc nơi công sở cũng phải nghiêm tức chấp hành nội qui, qui định của các cơ quan công quyền, hay nói cách khác là cũng phải ứng xử có văn hóa.
Ví như một người dân vào làm việc thì trước tiên người đó phải chấp hành nội quy của cơ quan như: xuống xe ở cổng và xuất trình giấy tờ, để xe đúng vị trí sau đó đăng ký làm việc với bộ phận này, hay phòng kia, cá nhân nọ… Phường Quang Trung là một ví dụ về xây dựng “Văn hóa công sở” được dư luận, người dân đánh giá cao. Ở đây phường đã xây dựng quy chế, quy định về thực hiện “Văn hóa công sở” tập trung vào những nội dung chính như: chấp hành nghiêm túc giờ giấc (chấm dứt tình trạng một vài người chậm, cả tập thể phải chờ); ăn mặc nghiêm túc, lịch sự, thực hiện đeo biển cá nhân; thái độ phải đúng mực, lễ phép với nhân dân; dân chưa hiểu phải giải thích rõ ràng, cặn kẽ đến khi dân hiểu mới hoàn thành nhiệm vụ; việc nào có thể giải quyết ngay thì trả lời cho dân, việc nào chưa giải quyết được thì phải có giấy hẹn ngày, giờ cụ thể… Các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, các đồng chí lãnh đạo phường luân phiên trực ở bộ phận “một cửa” để ký các loại giấy tờ công chứng cho nhân dân giảm thời gian chờ đợi”.
Đến Trung tâm giao dịch một cửa của UBND phường Quang Trung vào một chiều thứ 5, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là không hề có cảnh lộn xộn dù người dân đến giao dịch, làm việc rất đông. Hỏi bác Hoàng Thị Hưng – người dân khối 10, được biết: Từ ngày có “một cửa” người dân đến xin dấu ở phường rất thuận lợi, sau khi nộp giấy tờ chỉ cần ngồi đợi 10 – 15 phút là đã hoàn tất công việc. Thái độ phục vụ thì hòa nhã, dân có điều gì chưa hiểu, thắc mắc được cán bộ giải đáp ngay. Vì thế mà thời gian qua, bộ phận “một cửa” của phường Quang Trung đã tạo được niềm tin cho người dân.
Những câu chuyện, những tình huống cụ thể, buồn có, vui có, có băn khoăn, trăn trở và cả những tiếc nuối, ân hận trên, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta phải làm gì? Làm như thế nào? Để trong cái thế giới với những hiện đại, tiện nghi, đủ đầy, với sự giao thoa, hội nhập đến chóng mặt và sự đa dạng về luồng tư tưởng, sắc tộc, ý thức hệ này mà vẫn giữ được “hồn Việt” mà không xa lạ, không lệch pha, khác biệt, tụt hậu. Trở lại với nội dung đề cập ở đầu bài viết có thể thấy, để hình thành nên nhân cách, phẩm chất của mỗi con người, môi trường gia đình có ý nghĩa như là điểm xuất phát. Bồi đắp tư duy, trí tuệ, kiến thức và kỹ năng sống thì nhà trường sẽ là môi trường có ý nghĩa quyết định to lớn.
Cuối cùng là môi trường xã hội, lý tưởng giai cấp, bản chất nhà nước mà con người đang phụng sự. Vậy nên, chúng ta phải xây dựng, vun đắp và xác lập được mẫu gia đình mẫu mực, hạnh phúc; môi trường giáo dục chuẩn mực; xã hội văn minh. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào những bậc làm cha, làm mẹ, thầy cô giáo và người đứng đầu của mỗi địa phương đơn vị. Họ phải là những tấm gương mẫu mực, nhân văn, trí tuệ thật sự. Có như vậy chúng ta mới nhân lên được nhiều cá nhân, nhân tố có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và kiến thức để tự tin nói “không” với những việc làm sai trái, vô cảm, những điều xấu, cái ác. Hay còn gọi là những người có “văn hóa ứng xử”.
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta chỉ cần lưu tâm một chút, suy nghĩ một chút, chắc ẩn một chút rằng: Vì sao ngày xưa, xã hội ta nghèo, thiếu thốn mà con người thương yêu nhau, chia sẻ và cảm thông cho nhau, cán bộ làm việc hiệu quả, được dân tin, dân mến. Còn hôm nay, khi đời sống được cải thiện, nhưng phẩm chất đạo đức và lối sống của không ít người đã tha hóa, biến chất dẫn đến nạn quan liêu, tham nhũng, hạch sách nhân dân đến trắng trợn, khiến dân mất niềm tin, xa rời chế độ. Để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, để cái đẹp ngày càng lấn át, đẩy lùi cái xấu, mỗi cán bộ công chức cần tự tin, bồi bổ kiến thức, nhìn lại bản thân, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém, biết lắng nghe và thấu hiểu những nỗi khổ, niềm vui cùng với người dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về văn hóa ứng xử. Thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người được coi là nét chủ đạo trong triết lý nhân văn cao cả của Người. Đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Người vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi, khi sai sót thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng, lay động, cảm hóa lòng người. Chính nhờ sự giản dị, tế nhị, nghiêm khắc trong cách ứng xử đã làm cho mọi người, dù ở địa vị, thành phần xuất thân nào, khi tiếp xúc với Người đều để lại trong lòng ấn tượng sâu sắc bằng sự nể trọng, chia sẻ, tôn vinh bởi sức cảm hóa cuốn hút từ chính đạo đức, nhân cách, phép ứng xử văn hóa của Người. Người rất tin tưởng quý trọng nhân dân, nên trong giao tiếp ứng xử với dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ: "Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta".