(Baonghean) - Từ lâu, chị Hà Thị Hằng (SN 1967) ở bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) được biết đến là người phụ nữ năng động, có nhiều đóng góp cho quá trình khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em. Nhưng ít ai biết được rằng những thành công và đóng góp của chị Hằng bắt nguồn từ việc đọc và tìm hiểu qua báo chí, truyền thông...

Chị Hằng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Mường Quạ, gia đình đông anh, chị em nên không có điều kiện học hành lên. Học xong lớp 7, chị phải dừng bước trên con đường học tập. Như bao cô gái Mường Quạ, quanh năm chị chăm chỉ với nương rẫy, ruộng đồng và đến tuổi lấy chồng, sinh con. Chị Hằng vẫn còn nhớ như in, cách đây khoảng 10 năm, trong một lần tham gia sinh hoạt Chi hội Phụ nữ tại nhà văn hóa bản, tình cờ chị đọc tờ báo Nghệ An có bài viết về nghề dệt thổ cẩm đang được hồi sinh ở Quỳ Châu. Chị đọc đi đọc lại nhiều lần, vừa đọc vừa suy nghĩ từng chi tiết trong bài báo.

Bài viết phản ánh thực trạng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị mai một do hầu hết chị em đang chạy theo thị hiếu hàng dệt may công nghiệp, không mặn mà với các sản phẩm dệt may truyền thống. Vì lẽ đó, khung cửi đều bị xếp lại trong xó nhà, bản làng không còn tiếng thoi đưa lách cách. Trước thực tế đó, chị em ở Quỳ Châu đã nỗ lực tìm mọi cách để khôi phục và giữ gìn nghề dệt thỏ cẩm, một nét văn hóa mang tính bản sắc của cộng đồng dân tộc Thái. Công việc này được các cấp chính quyền địa phương bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Nhờ đó, nhiều chị em đã hăng hái tham gia các tổ, dệt và làng nghề dệt thổ cẩm từng bước được hình thành. 

Đêm ấy, chị Hằng về nhà không ngủ được, chị nhận thấy nội dung bài báo phản ánh có nhiều nét giống với vùng quê Mường Quạ của chị. Và chị cũng mong muốn được đóng góp một phần công sức để khôi phục nghề dệt thổ cẩm trên mảnh đất quê hương. Vì vùng đất Môn Sơn - Mường Quạ cũng là “thủ phủ” của đồng bào dân tộc Thái với những nét đẹp văn hóa được lưu truyền, gìn giữ từ bao đời nay. Thế nhưng, cũng như ở Quỳ Châu và nhiều nơi khác, nghề dệt thổ cẩm ở Mường Quạ cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Từ khi còn rất nhỏ, chị Hằng đã được bà và mẹ dạy cách quay sợi, xe tơ và đưa thoi. Lớn lên chị trở thành một trong những cô gái dệt khéo nhất bản Xiềng. Giờ đây, chị quyết định đứng ra vận động chị em trong bản khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Chị chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu, sẽ làm như thế nào nhưng chắc chắn phải quyết tâm thực hiện bằng được.

Từ đó, chị Hà Thị Hằng thường xuyên đọc báo, chị tìm đến với báo chí để tìm hiểu, học hỏi cách làm của các địa phương khác. Báo chí còn cung cấp cho chị thông tin về thị trường, nhu cầu, thị hiếu của mặt hàng dệt thổ cẩm. Một thời gian sau, trong đầu chị đã hình thành được sơ bộ kế hoạch khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Trước tiên, chị Hằng bỏ công đi từng nhà vận động chị em trong bản thành lập tổ dệt. Lúc đầu, chị em tỏ ra ngần ngại, vì sợ đầu tư thời gian, công sức nhưng sản phẩm làm ra không bán được, trong khi đó việc đồng áng đang bề bộn. Chị Hằng lại đưa báo ra làm chứng, thấy có lý nên các chị em bắt đầu nghe theo. Không lâu sau, tổ dệt của chị Hằng đã có 7 thành viên, rồi lên 10, 20 thành viên. Với nỗ lực vận động của chị Hằng, năm 2008, HTX thủ công mỹ nghệ Môn Sơn ra đời với tổng số 60 xã viên, do chị Hằng làm chủ nhiệm. Chức năng của HTX là sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, các món ẩm thực cổ truyền của đồng bào Thái (cơm lam, moọc, chẻo...). 

Chị Hà Thị Hằng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm với khách hàng.
Chị Hà Thị Hằng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm với khách hàng.

Điều may mắn đối với chị Hằng là HTX thủ công mỹ nghệ Môn Sơn ra đời đúng vào lúc bà con dân tộc Thái đang nỗ lực khôi phục bản sắc văn hóa, trong đó việc sử dụng trang phục cổ truyền được ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thu nhập của xã viên ngày càng được nâng cao, đời sống ngày càng được cải thiện. Cũng qua các phương tiện thông tin báo chí, chị Hằng nắm rõ các tổ chức, cá nhân có thể giúp đỡ HTX phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tìm đến tạo mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ. 

Hiện tại, là chủ nhiệm HTX, chị Hà Thị Hằng đang tiếp tục nỗ lực để tiến tới xây dựng Làng nghề dệt thổ cẩm Môn Sơn. Chị chia sẻ: “Công việc ngày càng bận rộn nhưng hàng ngày tôi vẫn dành thời gian để đọc báo. Đọc báo đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc, mọi ý tưởng, kế hoạch của tôi đều xuất phát từ những trang báo...”!

Tường Anh