Theo đó, nội dung được Ban pháp chế khảo sát lần này liên quan đến 4 nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, bao gồm: Nghị quyết số 38/2012/HĐND về chế độ, chính sách cho lực lượng công an xã, thị trấn; Nghị quyết số 171/2015/NQ-HĐND về trang bị phương tiện làm việc cho Công an xã, thị trấn; Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ; Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND về mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Đội phó và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát tại xã Thanh Lâm cho thấy, cơ bản các chế độ, chính sách, trang cấp thiết bị cho các lực lượng theo các nghị quyết của HĐND được triển khai thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện cho các lực lượng hoạt động, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã. Tuy nhiên, liên quan đến chế độ, chính sách vẫn đang đặt ra một số tồn tại, bất cập.
Ông Lê Văn Hùng – Chỉ huy trưởng quân sự xã nêu, theo Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND, nguồn chi cho lực lượng dân quân, ngoài nguồn ngân sách tỉnh cấp thì có huyện và xã bổ sung, tuy nhiên do điều kiện kinh tế Thanh Lâm còn khó khăn, cho nên việc phân cấp nhiệm vụ chi ở ngân sách cấp xã chưa được đảm bảo.
Cụ thể, chế độ học chính trị cho dân quân trong thời gian huấn luyện mới chỉ đảm bảo 50.000/80.000 đồng/ngày. Ngoài ra, điều kiện làm việc còn hạn chế, phòng làm việc của Chỉ huy trưởng Quân sự xã đang dùng chung với Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và chưa có phòng trực hàng ngày cho lực lượng dân quân tự vệ.
Riêng về chế độ, chính sách đối với lực lượng công an xã, theo Trưởng Công an xã Trần Xuân Tuyến, quy định chế độ đối với Phó trưởng Công an xã hiện là 1,1 và Công an thường trực là 0,9 mức lương cơ sở là còn thấp, trong khi yêu cầu nhiệm vụ và áp lực công việc lớn, thậm chí có thời điểm phải đảm bảo thời gian làm việc 24/24h.
Mặt khác, kinh phí hoạt động cho lực lượng công an hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số trang thiết bị chưa được cấp đầy đủ… Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho đội ngũ công an viên cũng đang quá thấp, chưa đủ sức hút đối với lực lượng này nên họ thường đi làm ăn xa, cho nên địa phương phải bổ sung thường xuyên, ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả hoạt động của lực lượng này.
Ông Phan Tuấn Anh - Trưởng phòng PV28, Công an tỉnh, thừa nhận, hiện nay, việc triển khai Nghị quyết số 171/2015/NQ-HĐND về trang bị phương tiện làm việc cho công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu một số hạng mục. Nguyên nhân là do ngân sách tỉnh cấp mỗi năm được 2 tỷ đồng/448 xã, thị trấn; cho nên Công an tỉnh phải phân khai và xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị theo lộ trình và trong thời gian tới sẽ đáp ứng.
Thông qua cuộc khảo sát, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung đã ghi nhận sự nghiêm túc, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống.
Chia sẻ khó khăn với địa phương, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND xã Thanh Lâm quan tâm bố trí phòng làm việc cho công an, quân sự cũng như bố trí ngân sách đảm bảo chế độ cho lực lượng dân quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Xã cũng cần quan tâm đến việc xây dựng và tăng cường tập huấn, đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, lực lượng dân phòng; quan tâm quản lý, bảo quản các trang thiết bị được trang cấp an toàn và chất lượng…