(Baonghean)- Theo thống kê, ở Nghệ An có trên 10.038 ha đất lâm nghiệp chuyển đổi sai mục đích, trải rộng trên nhiều địa phương với tình chất phức tạp.
Sai phạm diện rộng
Dư luận cả nước chưa thể quên vụ việc nhức nhối xảy ra tại hai xã Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp. Ở hai xã này, từ tháng 2-3/2017 đã có hiện tượng người dân thực hiện hành vi đốt, phát rừng trái phép trên diện tích được Nhà nước giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Qua điều tra xác minh của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, có 55 gia đình tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái phép với tổng diện tích rừng đã bị đốt, phát trồng trái phép cây keo là 142,46 ha (trong đó, có 96,97 ha đất có rừng và 45,49 ha đất chưa có rừng). Diện tích rừng tự nhiên bị đốt phát trái phép có trạng thái chủ yếu là rừng tự nhiên phục hồi, thuộc nhóm IIA, IIB; tổng trữ lượng lâm sản bị đốt phát, khai thác trái phép là: 3.952,32m3.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 18/12/2017, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ chất vấn nội dung thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình. cá nhân và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. |
Hành vi trên của các hộ dân được làm rõ khi các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng tự nhiên sản xuất sang trồng rừng nguyên liệu; trong khi đó, đây là diện tích đất rừng tự nhiên được Nhà nước giao theo Nghị định 163 nhằm sử dụng ổn định lâu dài với mục đích lâm nghiệp. Nhưng điều đặc biệt đáng quan tâm là những hành vi vi phạm pháp luật đó không chỉ được thực hiện bởi những hộ dân được Nhà nước giao đất rừng theo Nghị định 163 mà còn có sự tham gia trực tiếp của đội ngũ lãnh đạo, cốt cán địa phương và một cán bộ hàm Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.
\Tình trạng chuyển nhượng, chuyển đổi trái phép đất rừng và sau đó phá rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu diễn ra ở các huyện thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình theo Nghị định 163. Trong đó, đặc biệt “nóng” ở các địa phương như huyện Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông...
Điển hình ở huyện Quỳ Châu, tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui", chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng được phát hiện ở các bản: Pà Cọ, Kẻ Nính, Định Tiến, Tà Cọ của xã Châu Hạnh. Tại các bản này, có hàng chục hộ dân đã bán, chuyển nhượng đất rừng mà Nhà nước giao cho họ theo Nghị định 163 sang 1 doanh nghiệp với giá rẻ mạt. Chỉ riêng bản Kẻ Nính và bản Pà Cọ, lực lượng chức năng xác định có khoảng 70 hộ dân chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho Công ty cổ phần Nghệ An Xanh. Doanh nghiệp sau khi thu gom Giấy chứng nhận QSD đất rừng, đã có hành vi đưa nhân lực, máy móc thiết bị mở đường vào các vùng rừng phát rừng và trồng keo trên diện rộng.
Huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh qua đó phát hiện 11/12 xã trên địa bàn có tình trạng mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng với gần 500 hộ tham gia; diện tích đất lâm nghiệp đã bị chuyển nhượng trái phép lên đến 3.433ha. Cho đến nay, huyện Quỳ Châu đã xử lý hàng trăm vụ việc xâm hại đến rừng; trong đó, có một vụ chặt phá gần 2ha rừng trạng thái 1c tại lô 1, khoảnh 5, Tiểu khu 197 (khe Đoọng, Nậm Bông, xã Châu Hạnh) có liên quan đến cán bộ đương nhiệm của UBND huyện.
Dọc tuyến Quốc lộ 7, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng và chuyển nhượng đất rừng trái phép ở huyện Con Cuông được đánh giá là hết sức phức tạp. Như tại xã Đôn Phục có 8.786,2 ha đất lâm nghiệp và đất rừng, trong đó, 3.969,9ha đã được giao cho dân và cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Nghị định 163 nhưng có đến 36 hộ dân chuyển nhượng trái phép đất rừng cho các đối tượng trong và ngoài địa bàn huyện với diện tích lên đến trên 300 ha.
Còn với xã Bình Chuẩn, lực lượng chức năng thống kê có đến 85 hộ dân chuyển nhượng trái phép 1.100,5 ha đất rừng; xã Thạch Ngàn có 59 hộ chuyển nhượng chui 629,9 ha rừng; xã Môn Sơn 133,5ha/25 hộ; Lục Dạ 148,9ha/32 hộ... Ở các xã này, sau khi nhận chuyển nhượng, các đối tượng đã tổ chức thuê người bản địa đốt rừng, chặt phá, khai thác lâm sản trái phép khiến cho rừng nghèo kiệt để từ đó thực hiện hành vi trồng cây keo nguyên liệu.
Còn ở huyện Tân Kỳ, từ cuối năm 2010 cho đến đầu năm 2017, trên vùng giáp ranh giữa huyện này với huyện Yên Thành xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng phòng hộ. Nhiều hộ dân các xã Tây Thành, Quang Thành (Yên Thành) đã lén lút sang địa bàn xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) xâm canh đất rừng. Khu vực bị xâm canh được cơ quan chức năng xác định tại các khoảnh 4,5,7,8,9 thuộc Tiểu khu 867. Tổng diện tích rừng bị chặt phá, xâm lấn lên đến trên 100 ha; trong đó mới diễn ra trong năm 2017 là 1,96ha; loại rừng bị phá hại là rừng tái sinh phục hồi. Các hộ dân vi phạm đã trồng keo trên diện tích xâm lấn, thậm chí làm đường từ Yên Thành sang Tân Kỳ để phục vụ cho hành vi vi phạm.
Theo Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An năm 2015, toàn tỉnh có 1.236.259,31 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý theo Nghị định số 02/CP và Nghị định 163/1999/NĐ-CP trên 240.000 ha; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt khoảng trên 50,8%.
“Vênh” giữa chính sách và thực tế?
Đầu tháng 10/2017, trước tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại nặng nề, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4558/QĐ-UBND chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên toàn địa bàn. Cho đến thời điểm hiện tại, theo điều tra xác minh của Sở NN&PTNT, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh và có nhiều diễn biến phức tạp; tổng diện tích đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng và sử dụng sai mục đích là: 10.038,497ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp đã bị mua bán, chuyển nhượng trái phép là 5.398,469ha; bị sử dụng sai mục đích: 4.640,029ha. |
Dù Sở NN&PTNT đã đưa ra được những số liệu khá cụ thể, khẳng định tình trạng vi phạm trong mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất lâm nghiệp là đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, bên cạnh ý thức kém trong quản lý, sử dụng của các hộ gia đình, có sự “rủ rê” từ các đối tượng đầu nậu... Cùng đó, phải tính đến những bất cập từ các quy định còn chồng chéo của pháp luật. Nhiều cán bộ ngành lâm nghiệp thể hiện sự băn khoăn về vấn đề này.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Khánh - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho rằng, căn cứ vào các quy định của Nghị định 163 cũng như Luật Bảo vệ và phát triển rừng, người dân khi nhận bảo vệ, khoanh nuôi rừng được khai thác các lâm sản phụ như: măng, tre, nứa; có thể khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ và được khai thác các loại cây gỗ đã chết, cây đến chu kỳ. Tuy vậy, để có một cây gỗ lim đến kỳ khai thác cũng phải mất từ 50-70 năm, gỗ dẻ cũng 30 năm.
Đối với lâm sản phụ như tre, nứa, tép... nếu muốn khai thác thì người dân phải lập hồ sơ, lên phương án, thiết kế, rồi thực hiện tuần tự các quy trình, trong đó phải thể hiện được diện tích, vị trí, trữ lượng khai thác, thời gian tiến hành... Tiếp đến là thông qua sự xác nhận, phê duyệt của xã, huyện, các ngành chức năng liên quan. Trình tự này dân không thể thực hiện được. Ngoài ra có một nguyên do là phần lớn rừng giao theo Nghị định 163 là rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi nên người dân cũng không thể sống dựa vào lâm sản phụ được.
Điều bất hợp lý và cũng là mâu thuẫn lớn nhất trong chính sách dành cho người dân nhận giao khoán đất chính là việc hộ gia đình được giao đất mà không gắn với giao rừng. Và trớ trêu là đất theo Nghị định 163 đều được xác nhận là đất có rừng. Cho dù đó là rừng nghèo kiệt, rừng tái sinh phục hồi thì bản chất vẫn là đất lâm nghiệp, đất rừng. Trong khi đó việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163 cho hộ dân là công nhận phần đất chứ không phải tài sản trên đất (rừng).
Và ở đây xảy ra một mâu thuẫn khác, trong khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng nghiêm cấm tất cả các hành vi chặt, phá, khai thác, đốt, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng rừng trái pháp luật… thì Luật Đất đai lại cho phép chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất. Đều là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng các hộ dân được giao đất 163 không được phép bán, sang tên đổi chủ, chuyển nhượng.
Về lâu dài, nếu các cấp không giải quyết dứt điểm những tồn tại, sẽ gây ra những hệ lụy khó lường từ hành vi chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng. Bởi vậy, ngoài việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng, thì cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định của pháp luật, của chính sách cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An: “Chênh lệch giữa nguồn lợi trồng - bảo vệ rừng so với chuyển đổi rừng quá cao. Một ha được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang để trồng keo tính bình quân sẽ có 20m3/ha/năm. Theo giá hiện nay nếu bán tại nhà máy giá 1 triệu đồng/m3 thì sẽ thu được 20 triệu đồng. Trừ 50% chi phí thì mỗi năm, 1ha người dân thu được lãi suất 10 triệu đồng. Trong khi đó nếu bảo vệ rừng tự nhiên không được chuyển đổi chỉ thu được 300.000 - 350.000 đồng. Độ vênh lớn như thế này thì dẫn đến tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng keo. Đây chính là câu chuyện đang diễn ra ở Nghệ An. Vì vậy, nhiều hộ và một số doanh nghiệp cố ý làm nghèo rừng tự nhiên để chuyển sang trồng rừng keo là có thật. Đây là bất cập nảy sinh từ chính sách...”. |
Nhật Lân - Đào Tuấn