(Baonghean) - Các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới theo cơ chế tự chủ về bộ máy, tổ chức, tài chính.
Khó khăn từ cơ sở
Sau 3 tháng (từ tháng 1/2017) thực hiện tự chủ chi thường xuyên, hoạt động của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Về cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay của bệnh viện chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động với 954 cán bộ phục vụ gần 1.800 bệnh nhân/ngày. So với quy định của Bộ Y tế về tổ chức bộ máy của bệnh viện đa khoa hạng I thì bệnh viện còn thiếu 9 khoa lâm sàng.
Trong khi chế độ, chính sách về khám chữa bệnh (KCB) còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ nên phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. “Bệnh viện tỉnh là tuyến cuối, có chỉ tiêu BHYT đăng ký KCB ban đầu rất ít (gần 2.200 thẻ). Việc chênh lệch giá KCB có BHYT và không có BHYT gây khó khăn lớn cho Bệnh viện khi thực hiện tự chủ tài chính. Bệnh viện đề nghị đẩy nhanh thực hiện công bằng về giá giữa đối tượng BHYT và không có BHYT - Thạc sỹ - Bác sỹ Tôn Thất Hậu - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đề xuất.
Đối với Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ lâu đã thường xuyên quá tải cả về lượng bệnh nhân lẫn cường độ làm việc đối với y, bác sỹ. Bác sỹ Phan Văn Tư - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đề xuất: "Nhà nước giao tự chủ tài chính thì phải giao tự chủ về số người làm việc cho các đơn vị. Hiện nay nhân lực được giao cho đơn vị còn thiếu trầm trọng, bất cập với số người làm việc/số giường bệnh được giao; giường bệnh đi trước, nhân lực không đi theo. Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, số giường bệnh được giao là 670 nhưng giường bệnh thực kê là 1.200. Trong khi đó, biên chế là 400 người. Dẫn đến quá tải bệnh nhân và tần suất làm việc của người lao động”.
Thực tế, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, không có nguồn thu, dẫn đến khó thực hiện tự chủ về con người, tài chính theo quy định. Chẳng hạn như Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Cửa Lò với 2 nhiệm vụ cơ bản là bồi thường giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất trên địa bàn thị xã. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động.
Hiện tại trung tâm có 7 biên chế và 11 hợp đồng; nguồn kinh phí tự chủ phụ thuộc vào 2% kinh phí phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này có hạn và không ổn định. Vì vậy Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Cửa Lò chưa thể thực hiện cơ chế tự chủ. Tương tự, Đài TT-TH Cửa Lò, hiện có 14 cán bộ, nhân viên được chuyển giao cho thị xã từ năm 2010 và từ năm 2017 tỉnh không còn hỗ trợ 70% kinh phí nên gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, thị xã Cửa Lò có 30 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 20 đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo và có 8 trường mầm non, 5 trường THCS đã thực hiện tự trang trải một phần từ nguồn thu học phí. Về khả năng tự chủ, hiện có một số đơn vị có thể thực hiện được như các trường học, bệnh viện, nhà khách ủy ban… có thể tự chủ một phần song vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: “TX. Cửa Lò chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ chế tự chủ nhưng cơ bản chưa có hiệu quả. Đến nay nhiều đơn vị của TX Cửa Lò vẫn phải xin chưa thực hiện tự chủ do chưa đủ khả năng, không tạo được nguồn thu. Vì vậy, theo tôi việc thực hiện tinh giản biên chế và giao tự chủ về kinh phí cần có bước đi phù hợp, theo từng loại hình đơn vị, từng vùng, miền”.
Ngoài ra, các văn bản quy định của Trung ương còn chưa đồng bộ, chồng chéo, bất cập khiến cơ sở lúng túng trong thực hiện. “Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhằm đổi mới toàn diện đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh, nhìn lại tiến độ thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, có thể thấy quá trình này vẫn diễn ra rất chậm, số lượng các đơn vị tiến hành tự chủ còn khiêm tốn”- bà Thái Thị An Chung - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận định.
Xu thế tất yếu
Tự chủ tài chính là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị bệnh viện công vào thời gian tới, trong bối cảnh bội chi vào chủ trương giảm chi thường xuyên. Sau khi nghiên cứu Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế Nghệ An đang xây dựng đề án mô hình thí điểm. Sở Y tế Nghệ An đã quyết định chọn Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh làm đơn vị thí điểm đầu tiên theo mức độ 2 (tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên).
Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh được ngân sách cấp 14 tỷ đồng dành cho việc trả tiền lương và phụ cấp. Khi thực hiện tự chủ tài chính theo mức độ 2, số tiền này sẽ không còn được cấp, mà do bệnh viện tự cân đối thu và chi. Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Vinh cho biết: “Bệnh viện xác định thực hiện tự chủ là bước đột phá lớn nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Bệnh viện cũng đã cử cán bộ đi đào tạo nâng cao chuyên môn và tay nghề, học tập thay đổi cung cách phục vụ bệnh nhân và lề lối làm việc...”.
Ông Tôn Thất Hậu - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho rằng: “Thực hiện cơ chế tự chủ đòi hỏi bệnh viện phải thay đổi thái độ, phong cách phục vụ và đã triển khai kỹ thuật chuyên môn sâu, không ngừng nâng cao chất lượng KCB để bệnh nhân lựa chọn mình là nơi đến KCB. Việc tự chủ là xu thế tất yếu của các bệnh viện, vì vậy Bệnh viện mong muốn UBND tỉnh sớm phê duyệt đề án “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2017 - 2019” cho Bệnh viện sớm đưa vào ứng dụng, thực hiện”.
Thực hiện cơ chế tự chủ, theo lộ trình Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi một số đơn vị từ mô hình đơn vị sự nghiệp hành chính sang công ty cổ phần. Đơn cử, như Nhà khách Nghệ An, từ năm 2014 đến nay, Nhà khách Nghệ An thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính, hàng năm Nhà khách Nghệ An kinh doanh đều có lãi, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Dự kiến cuối năm 2017, Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi Nhà khách Nghệ An từ mô hình đơn vị sự nghiệp hành chính công lập sang mô hình cổ phần hóa.
Theo đánh của Sở Tài chính về thực hiện cơ chế tự chủ trên địa bàn tỉnh thì hiện nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ chỉ dừng lại tự chủ kinh phí được ngân sách cấp. Nguyên nhân một phần là do các đơn vị đang quen với việc được Nhà nước bao cấp, khi chuyển sang phương thức tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên thực hiện chậm trễ. Nhiều đơn vị có tâm lý ỷ lại, vẫn trông chờ vào ngân sách hỗ trợ, không chịu thoát ly “bầu sữa” ngân sách.
Về lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Đây là một trong những nội dung quan trọng chương trình CCHC. Vì vậy, tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với ngành Y tế. Tự chủ là giải pháp tốt để đơn vị có điều kiện thu hút thêm các nguồn lực để phát triển và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây chính là giải pháp để thay đổi thái độ, phong cách phục vụ bệnh nhân. Đồng thời cải thiện nguồn thu, chủ động về tài chính để họ có quyền đưa ra định mức chi trả để tăng thu nhập người lao động tốt hơn, giảm áp lực ngân sách cho tỉnh. Tuy nhiên, trong lộ trình tự chủ, tỉnh sẽ giảm nguồn hỗ trợ ngân sách. Vì vậy, để từng bước tháo gỡ khó khăn, tỉnh cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các đơn vị này đầu tư cơ sở vật chất để cơ chế tự chủ được thực hiện một cách bền vững”.
Cuối năm 2016, toàn tỉnh có 1.836 đơn vị sự nghiệp. Kết quả thực hiện tự chủ: có 6 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 1.780 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 44 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm 100% ngân sách. Theo lộ trình năm 2017 đã có 8 đơn vị sự nghiệp của ngành Y tế tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên giai đoạn 2017 - 2019 gồm: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện ĐK Tây Bắc, Bệnh viện ĐK Tây Nam và Bệnh viện ĐK TP. Vinh. Hiện, Bệnh viện ĐK TP. Vinh đã có Quyết định của UBND tỉnh giao quyền tự chủ, các đơn vị còn lại Sở Y tế đang trình UBND tỉnh phê duyệt. |
Thanh Lê