(Baonghean) Trong các quy định về hoạt động xây dựng thì quy định về cấp chứng chỉ hành nghề thể hiện rõ nhất sự bất cập, thiếu tính thực tế và đang bị một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để “lách”.

Cụ thể, Nghị định 12/2009 và Thông tư 12/2009 của Bộ Xây dựng về nội dung cấp chứng chỉ hành nghề, theo đó yêu cầu phải có kinh nghiệm tham gia thiết kế (hoặc giám sát) 5 công trình hoàn thành, nhưng lại không quy định rõ về quy mô công trình. Vậy nên, có tình trạng khi trình các phòng ban chức năng của Sở Xây dựng để xét cấp chứng chỉ, một số hồ sơ chỉ thực hiện 5 công trình nhỏ là hàng rào, nhà trực, nhà dân… vẫn đủ điều kiện. Trong khi đó, nhiều hồ sơ không đủ số lượng và số năm kinh nghiệm nhưng đã tham gia thiết kế các công trình có quy mô lớn là trung tâm thương mại, chung cư cao tầng… lại không đủ điều kiện.

Trong quá trình áp dụng vào thực tiễn ở Nghệ An, có thể thấy, quy định hiện nay đang nặng về thời gian kinh nghiệm mà chưa quan tâm đến năng lực thực tế, bởi một số hồ sơ có trình độ, chuyên môn cao như thạc sỹ, tốt nghiệp chính quy loại giỏi ở các trường ĐH, nhưng do chưa đủ thời gian 5 năm kinh nghiệm lại không đủ điều kiện xét cấp. Mặt khác, việc thẩm định tính xác thực của việc kê khai các công trình gặp rất nhiều khó khăn vì các công trình trải rộng trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, trong quá trình cấp chứng chỉ, việc thành lập hội đồng cấp chứng chỉ, trong đó có nhiều thành phần ngoài ngành Xây dựng, làm cho công tác phối kết hợp thực hiện còn khó khăn, dẫn đến tình trạng cấp chứng chỉ ở tỉnh ta thường chậm hơn quy định của Bộ Xây dựng.

Những bất cập trên trong việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cần được sửa đổi, điều chỉnh kịp thời, để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoàng Vĩnh