1. Bugi màu vàng nâu

29829062_1372018.jpg
Bugi có màu vàng nâu chứng tỏ động cơ hoạt động bình thường, tỷ lệ hòa khí (xăng/không khí) đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và các thành phần cơ học ổn định.

Nếu thay bugi mới, nên thay bugi có khoảng nhiệt bằng nhau (có chiều dài lớp sứ cách điện phía dưới bằng nhau). Khoảng nhiệt dài bugi làm việc nóng hơn và khoảng nhiệt ngắn hơn bugi làm việc mát hơn. 

2. Bugi màu trắng

Đây là tình trạng xảy ra trên nhiều dòng xe, chứng tỏ động cơ xe  hoạt động quá nhiệt. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên có thể do bugi không phù hợp (có khoảng nhiệt quá lớn), chỉ số octan của nhiên liệu quá thấp, thời gian đánh lửa của động cơ không tối ưu, hệ thống làm mát động cơ hỏng, hoặc động cơ bị thiếu xăng (quá nhiều không khí).

Trường hợp này cần tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục bằng cách thử thay thế bugi khác, điều chỉnh các hệ thống liên quan...

3. Bugi màu đen và khô

Khi kiểm tra và thấy bugi có màu đen, rất có thể động cơ hoạt động ở chế độ giàu nhiên liệu (dư xăng) hoặc xe chạy cầm chừng quá mức. Đối với những mẫu xe có thêm hiện tượng khói đen thoát ra ở ống pô thì chính xác là động cơ dư xăng.

Hiện tượng này có thể do một số nguyên nhân như: lọc gió bẩn dẫn đến nghẹt làm cung cấp không đủ không khí để đạt tỷ lệ hỗn hợp chuẩn, bộ chế hòa khí hỏng, cánh bướm gió bị kẹt, bugi đánh lửa yếu nên không đốt cháy hết hòa khí. Trước khi thay bugi, cần điều chỉnh lại tỷ lệ hòa khí phù hợp, vệ sinh lọc gió, bướm gió...

4. Bugi cực âm bị mòn nhiều

Trường hợp này xảy ra do bugi bị ảnh hưởng bởi sự tác động của các chất phụ gia có trong xăng và dầu động cơ.

Khi có tình trạng trên, động cơ sẽ bị mất lửa, đặc biệt là khi tăng tốc do khe hở đánh lửa giữa hai điện cực bugi lớn làm điện thế đánh lửa kém, xe cũng khởi động khó khăn; bạn nên thay bugi mới.

5. Bugi có khoảng cách đánh lửa lớn 
Nếu tay lái sử dụng bugi trong thời gian quá dài mà không thay sẽ khiến quá trình đánh lửa sẽ làm mòn cực tâm, làm khe hở đánh lửa tăng lên và giảm khả năng đánh lửa của bugi, gây giảm công suất của động cơ. Trong trường hợp này, nên thay bugi mới để động cơ hoạt động tốt hơn. 
6. Bugi bị vỡ đầu sứ 
Phần lớn là do tác động cơ khí, khi bugi bị đánh rơi hoặc đè nặng lên cực tâm bugi do sử dụng sai. Cũng có thể do sử dụng lâu ngày bugi bị đóng cặn ở đầu sứ bugi và cực tâm và do cực tâm bị gỉ sét.
Tình trạng bugi như vậy sẽ gây mất lửa, đánh lửa muộn so với thời điểm phun nhiên liệu, làm giảm công suất động cơ.
7. Bugi bị chảy cực tâm

Trường hợp này, bugi sẽ bị chảy cục bộ cực tâm hoặc chảy hết toàn bộ, đầu sứ cũng bị rỗ hay nứt. Nguyên nhân gây nên hiện tượng trên do bị tự động đánh lửa gây nên quá nhiệt, bugi có khoảng nhiệt không phù hợp, hoặc do các nguyên nhân khác như: chất cháy đóng cặn trong buồng đốt, bô bin hỏng, xu-páp hỏng, chất lượng nhiên liệu kém; sẽ gây nên hiện tượng mất lửa làm giảm công suất động cơ.

Trong trường hợp này nên kiểm tra bô bin, động cơ, tỷ lệ nhiên liệu và thay bugi mới. 

8. Các cực bugi bị chảy

Khi bugi bị chảy cả hai cực và có chất lạ bám trên cực bugi, đó là do bugi bị quá nhiệt do tự động đánh lửa. Sự đánh lửa sớm, bô bin bị hỏng, xu-páp hỏng, chất lượng xăng kém hoặc chất cháy đóng cặn trong buồng đốt cũng gây nên hiện tượng trên.

Tình trạng này sẽ làm mất khả năng đánh lửa và làm giảm công suất động cơ, gây hỏng động cơ của xe. Bạn cần kiểm tra lại động cơ, chất lượng nhiên liệu, bô bin đánh lửa trước khi thay bugi mới.