(Baonghean) - Hàng ngày đi trên các tuyến đường của thành phố Vinh, hầu như đến ngã ba, ngã tư nào cũng đều bắt gặp những tốp lao động tự do ngồi chờ khách đến thuê. "Cửu vạn" là cụm từ mà người ta thường dùng để gọi đối với những người lao động tự do này. Họ là những người nông dân ở các huyện ven thành phố như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Cửa Lò... Xong công việc đồng áng, một bộ phận nông dân tích cực vào thành phố đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống thường nhật. Họ phần lớn là lao động nữ, độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, là những người chủ gia đình gánh trên vai trách nhiệm duy trì cuộc sống cho cả gia đình. Giá cả ngày càng leo thang, lạm phát cao, người nông dân vốn đã chịu nhiều khó khăn nay càng thêm túng quẫn, đó là nguyên nhân khiến người lao động tự do kéo vào thành phố tìm việc ngày càng nhiều. Người đông, việc ít, cơ hội kiếm được việc làm ngày càng khó hơn. Ai thuê gì họ cũng làm, từ dọn vệ sinh nhà cửa, đến làm vườn, phụ hồ, gánh vác cát, sỏi, đất, gạch đá... họ đều làm cả, miễn sao mỗi ngày kiếm được 50 - 100 ngàn đồng để chi tiêu.

Bấp bênh nghề cửu vạn ảnh 1

Một trưa hè nóng bỏng, tại ngã tư cầu Kênh Bắc, trên vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách, tôi nhẩm đếm có hơn 40 lao động đang ngồi nghỉ trưa, nhìn qua nét mặt thấy ai cũng mệt mỏi và buồn bã. Qua tìm hiểu được biết, trong số họ nhiều người đang nuôi con nhỏ, phải gửi con để đi làm cả ngày, nhiều chị đang mang thai vẫn cố gắng đi làm những công việc gánh vác nặng nhọc. Tất cả đều vì kế mưu sinh khắc nghiệt. Vì là lao động tự do, ai thuê gì làm nấy nên không có bảo hiểm, không có hợp đồng lao động, lỡ xảy ra rủi ro trong quá trình làm việc thì bản thân họ phải gánh chịu thiệt thòi. Cơ cực là vậy, nhưng có những người chủ thuê lao động vẫn dây dưa nợ tiền công hàng triệu đồng. Chị Ngọc ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc chia sẻ: Cực chẳng đã mới phải vào thành phố làm cửu vạn kiếm tiền nuôi con, nhiều hôm ngồi chờ đợi mệt mỏi cả ngày không có việc gì làm còn bị rượt đuổi, thậm chí thu, phạt xe đạp mỗi xe 50 - 100 ngàn đồng vì tội lấn chiếm vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị. Hôm nào may mắn có nhiều việc làm cũng kiếm được hai trăm ngàn đồng, mừng khấp khởi trong lòng. Hành trang của chúng tôi là những đôi quang gánh, cuốc, xẻng, sọt tre và sức lao động của mình. Tuy lao động nặng nhọc nhưng ai cũng phải chắt chiu, dè sẻn không dám chi tiêu cho mình, làm việc cả ngày, trưa đến tìm chỗ nào có bóng cây mát trải ni lông ra ngồi ăn cơm nắm mang theo từ sáng sớm. Mỗi người có một đùm cơm nắm đạm bạc đưa đi, đến trưa nguội cứng, nuốt không nổi, vẫn phải cố ăn qua bữa, rồi nằm lăn trên vỉa hè ngủ tạm.  Chị Thương (Nghi Lộc) ngày ngày phải gửi đứa con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi cho bà ngoại để vào Vinh làm cửu vạn. Sáng, thức dậy từ lúc 4 giờ, nấu cơm sáng và còn để phần mang theo để ăn bữa trưa. Chị thức con dậy, tranh thủ cho bú no rồi bồng con sang gửi bà ngoại. Chị đạp xe thật nhanh vào thành phố với tâm trạng sợ mình đi chậm mất cơ hội làm việc. Ngày nào cũng điệp khúc ấy, sáng đi đến tối mịt mới về. Lực lượng lao động cửu vạn hàng ngày đang đáp ứng nhu cầu lao động của địa bàn thành phố. Chủ nhân nào cần làm việc gì, đến tìm họ thoả thuận giá cả, công việc được giải quyết nhanh gọn. Không nề hà công việc nặng nhọc, không yêu cầu bất kỳ điều kiện gì - họ là những lao động nông dân chất phác chỉ biết đem sức mình làm việc tận tuỵ. Chỉ e rằng khi không còn sức khoẻ để mà đi làm cửu vạn, kiếm thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống chật vật này, đó là điều mà các lao động lo lắng nhất.

Quỳnh Lan