(Baonghean) - Tổng cục Hải quan vừa tổ chức giới thiệu nội dung mới của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) sửa đổi; kết quả triển khai Luật Hải quan. Theo đó, thực tế hoạt động XNK và hoạt động SX-KD đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật thuế NK, XK hiện hành.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, ngay sau khi Luật Hải quan được thông qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 9296/CT-TCHQ ngày 25/7/2014 nêu rõ các công việc cần tập trung và kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Luật Hải quan. Đến nay, các công việc đã được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và đạt được kết quả tốt. Trong đó, việc xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật đã được chủ động rà soát, xác định văn bản cần ban hành để xây dựng hệ thống văn bản pháp luật hải quan một cách thống nhất, đồng bộ, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 3 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 thông tư; đồng thời Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành các quy trình nghiệp vụ để thực hiện.
Trong công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục đã tổ chức tập huấn kịp thời cho cán bộ công chức hải quan từ cán bộ chủ chốt đến công chức thừa hành. Hoạt động tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng được chú trọng dưới nhiều hình thức phong phú như: xây dựng tài liệu giới thiệu Luật; biên soạn in ấn các ấn phẩm tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tập huấn; tuyên truyền tại các hội nghị do Tổng cục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức và tại các hội nghị đối thoại DN...
Nâng cấp cơ sở vật chất là nền tảng
Song song với đó, Tổng cục Hải quan khẩn trưởng kiện toàn tổ chức, sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực. Sau khi chủ động rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để tiến hành sắp xếp bộ máy, bố trí nguồn lực phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Luật, ngành đã giải thể, thành lập mới, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị. Cục Hải quan đã chủ động rà soát đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị để lựa chọn những công chức đã được đào tạo và có nghiệp vụ chuyên sâu, có kinh nghiệm bố trí vào các bộ phận phù hợp với yêu cầu của quá trình triển khai thực hiện Luật. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật được đẩy mạnh: ngành đã tiếp nhận và triển khai chính thức thực hiện hệ thống VNACSS/VCIS từ Chính phủ Nhật Bản. Việc triển khai thực hiện hệ thống giúp Hải quan Việt Nam áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý hải quan tiên tiến. Ngoài ra, công tác mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan đã được triển khai tích cực, đồng bộ.
Ngành cũng đã triển khai xây dựng và thí điểm vận hành hệ thống giám sát hải quan thông qua áp dụng mã vạch tại một số chi cục cảng biển nhằm rút ngắn thời gian giám sát hàng hóa qua cổng cảng và tạo tiền đề kết nối với hệ thống của các cơ quan, DN kinh doanh kho, bãi, cảng. Cổng thanh toán điện tử (E-payment) thông qua việc kết nối trao đổi thông tin giữa hệ thống CNTT Hải quan với Kho bạc và Ngân hàng thương mại tiếp tục được triển khai song song với nâng cấp và đưa vào vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT khác trong các lĩnh vực hải quan (như: hệ thống thông tin quản lý rủi ro, kế toán thuế, thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế, xác thực chữ ký số, thông tin quản lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế..).. Trong 6 tháng đầu năm 2015, đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng 2 hệ thống camera giám sát tại Cảng Đình Vũ- Hải Phòng và Ga hàng hóa mới Nội Bài - Hà Nội. Triển khai lắp đặt các hệ thống camera tại Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Thanh - Lạng Sơn, Tân Cảng - Cát Lái, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tiến hành các thủ tục mua sắm 5 máy soi container, 3 máy soi hàng hóa và hành lý, 6 máy soi ngầm.
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan
Đánh giá về tác động của Luật Hải quan đối với một số hoạt động nghiệp vụ hải quan, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, những thay đổi của Luật Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tác động sâu rộng đến toàn bộ hoạt động hải quan đặc biệt là các hoạt động nghiệp vụ hải quan. Toàn ngành đã kiến nghị bãi bỏ 17 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; hồ sơ hải quan đã được đơn giản, giảm bớt; giảm thời gian kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các chi cục hải quan trên toàn quốc. Phương thức hoạt động hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan, bảo đảm phù hợp để tăng cường kiểm tra đối với các đối tượng trọng điểm rủi ro. Công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường, để bảo đảm yêu cầu quản lý hải quan theo phương pháp hiện đại: thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường, việc thu thập phân tích thông tin được mở rộng, tập trung trọng điểm vào các DN, lĩnh vực, mặt hàng có rủi ro cao - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định.
Ngoài ra, trình độ nghiệp vụ của công chức hải quan được chuyên sâu trong từng lĩnh vực; bộ máy tổ chức hải quan được kiện toàn. Mỗi công chức hải quan đều ý thức được việc tự nâng cao tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại. Một số đơn vị hải quan địa phương đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức ở đơn vị cơ sở theo hướng chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, của tổ chức và cá nhân có liên quan được minh bạch hơn, khi tính tự chịu trách nhiệm của người khai hải quan được nâng cao, phân định rõ trách nhiệm giữa người khai hải quan và công chức hải quan, của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan; hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và người khai hải quan; tạo sự chuyển biến tích cực cho các tổ chức, DN trong CCHC để phối hợp quản lý hoạt động XK, NK - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan Phùng Thị Bích Hường cho biết.
Còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, sau 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK số 45/2005/QH11 đã tác động tích cực đến nhiều mặt KT-XH của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, đến nay Luật Thuế XNK đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi. Đầu tiên là khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết tự do thương mại (AFTA), từ năm 2018 mức thuế suất thuế NK cơ bản sẽ được xóa bỏ. Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ về thuế trong Luật thuế XNK. Bên cạnh đó, có một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… Một số quy định trong Luật chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, cần được sửa đổi để góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH, yêu cầu cải cách hành chính (CCHC) trong giai đoạn mới.
Theo đó, những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật lần này bao gồm nhiều nhóm nội dung. Trong nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý SX-KD trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết, ngành Tài chính đề xuất bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ; sửa đổi nguyên tắc, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất; quy định mức thuế XK tối thiểu của biểu thuế theo danh mục nhóm hàng chịu thuế XK thay cho khung thuế suất hiện nay; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển SX-KD, XK, đẩy mạnh xã hội hóa. Ngoài ra, dự thảo luật mới còn sửa đổi, bổ sung để đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành, bao gồm các nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế.
Đối với nhóm vấn đề về phù hợp các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế XK, thuế NK, dự thảo bổ sung quy định về áp dụng thuế XK đối với trường hợp có hàng hóa XK sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế XK; về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan; bổ sung quy định về miễn thuế. Về việc đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, dự thảo yêu cầu chuyển một số hàng hóa phục vụ sản xuất XK sang đối tượng miễn thuế để khuyến khích sản xuất...
Sông Hồng