Một số quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Singapore… đã biết vận dụng bộ môn giáo dục môi trường vào giảng dạy. Điều này giúp học sinh, sinh viên có thể nắm bắt, ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường quan trọng thế nào.

Trong cuộc sống hàng ngày, ăn, thở hay đi lại… đều có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Một đứa trẻ ý thức được việc bảo vệ cây xanh, không vứt rác bừa bãi nhưng số khác lại hút thuốc lá và tàn phá rừng gây ra những tác dụng lợi, hại tới môi trường. Đối với một cá nhân, tác động đó có thể coi là nhỏ. Nhưng, trong một cộng đồng thì đó là vấn đề lớn.

Một doanh nghiệp sản xuất nếu không ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường thì sẽ thải hàng loạt hóa chất độc hại ra bên ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.

 774605_small_73103.jpg



        Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Ảnh minh họa.

Một thành phố nếu chỉ chú trọng đến việc xây dựng những tòa nhà cao tầng mà không biết cân đối với việc trồng nhiều cây xanh sẽ khó có thể kéo dài được sự sống.

Một con sông nếu suốt ngày phải hứng chịu những dòng nước sinh hoạt chứa đầy hóa chất thải ra thì liệu nó có còn là một con sông nữa không?

Một người nông dân chỉ vì muốn năng suất lao động mà không bao giờ để ý đến việc lạm dụng quá nhiều hóa chất thì người nông dân ấy có biết mình vừa đóng góp rất nhiều công sức cho vấn đề phá hoại môi trường?

Muốn bảo vệ môi trường cũng như nâng cao nhận thức mỗi cá nhân, trước hết bản thân mỗi người phải ý thức được rằng, môi trường là lá phổi sống của ta.

Thiết nghĩ, nếu bất kỳ đứa trẻ nào khi sinh ra đã nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là quan trọng thì khi lớn lên chúng sẽ không có những hành động tàn phá môi trường. Với nhận định đó, tôi nghĩ rằng, không riêng gì nước ta mà tất cả các nước trên thế giới nên đưa bộ môn giáo dục môi trường vào giảng dạy thay cho việc ra lời kêu gọi hãy cứu lấy môi trường sống của chúng ta khi tất cả đã trở nên quá muộn.


Theo Express