(Baonghean)  - Văn hóa làng có vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt. PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS Ninh Viết Giao xung quanh vấn đề này để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa làng.

 

Ông có thể khái quát về "làng" ở Việt Nam nói chung, xứ Nghệ nói riêng?

 

PGS Ninh Viết Giao: Người Việt Nam chúng ta đi từ làng đến nước. Nhìn chung, làng xã ở Nghệ An hình thành rất lâu đời, có làng ở ven sông, làng ven biển, có làng trung du, làng ven đô thị, có làng nghề, làng học... Trừ các bản, làng của bà con dân tộc thiểu số ở phía Tây, còn các làng của người Việt, nhất là những làng cổ, dù vị trí ở đâu, cấu trúc như thế nào, làng thuần nông hay làng có nghề thủ công..., hầu như làng nào cũng có một tính cách riêng, một sắc thái riêng. Có thể nói làng ở xứ Nghệ gần như một con người, một cơ thể trọn vẹn nên nó ẩn dấu một linh hồn, một tâm lý cộng đồng. Làng là tổ chức cơ sở hành chính của quốc gia. Làng là mô hình để người xưa theo đó mà mở rộng ra xây dựng tổ chức quốc gia, đô thị. Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa làng ảnh 1                                           Phó Giáo sư Ninh Viết GiaoLàng còn là pháo đài để chống giặc ngoại xâm cùng mọi yếu tố ngoại lai, bảo vệ sự bình yên cho dân tộc, cho đất nước. Nước có luật, làng có lệ. Làng cụ thể hóa một số luật nước. Từ thời xa xưa, làng xã là tổ chức cộng đồng khép kín. Đình làng thờ Thành Hoàng, tổ chức lễ hội. Lũy tre và cổng làng là điển hình của biên giới và cửa khẩu của "làng gia" với những luật lệ riêng. Làng, xã là cơ sở vững chắc, là đơn vị hành chính vô cùng quan trọng của nhà nước phong kiến và ngay cả thời gian nước ta bị thực dân Pháp cai trị.

Văn hóa làng đi vào ký ức người Việt Nam bằng hàng loạt những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi và thân thương. Làng là nơi bảo tồn tất cả những phong tục tập quán, những văn hóa vật thể và phi vật thể, mọi lễ tục, lễ hội cho nên muốn nghiên cứu văn hóa cổ truyền của quốc gia thì phải đi từ văn hóa làng hay nói cách khác phải lấy văn hóa làng làm gốc.

PV: Nét đặc trưng của văn hóa làng xưa và văn hóa làng nay có sự thay đổi như thế nào, thưa ông?

PGS Ninh Viết Giao: Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, văn hóa làng Việt đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Tình làng, nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng. Mặc dù văn hóa làng đã trở thành bản sắc, thành một hằng số của văn hóa Việt Nam , nhưng theo thời gian, không có cái gì là không biến đổi. Nhiều làng quê ở Việt Nam hiện nay không còn tên làng, đơn vị hành chính là từ xã đến xóm, đội. Với cuộc sống đang hiện đại hóa, với xã hội đang công nghiệp hóa và đô thị hóa, với thế giới đang toàn cầu hóa và hội nhập, đã mất dần đi hình ảnh làng, cùng nhiều tệ nạn xã hội khác đang thâm nhập vào từng thôn, xóm, làng, bản. Văn hóa làng trong đời sống nông thôn Việt Nam hôm nay đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Cái tốt hiển hiện, cái xấu cũng bộc lộ rõ nét hơn.

PV: Vậy theo ông, cần lưu giữ những nét đẹp truyền thống gì của văn hóa làng?

PGS Ninh Viết Giao: Trong bản sắc văn hóa làng, cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam , những gì đến bây giờ vẫn còn giá trị thì vẫn cần phải giữ lại. Có cần bỏ là bỏ cái xấu. Người Việt cần gìn giữ những nét bản sắc tốt đẹp của văn hóa làng, nhưng đồng thời cần phát huy ý thức xã hội, tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện đểcá nhân phát triển, hướng đến một xã hội dân chủ hài hòa, sống tôn trọng pháp luật kỷ cương. Chỉ có như vậy mới thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của văn hóa làng, xã tiểu nông, để trên cơ sở đó gìn giữ và phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa làng, xây dựng văn hóa đô thị Việt Nam và không để xảy ra tình trạng văn hóa đô thị bị nông thôn hóa trở lại. Đã đến lúc cần đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc làng quê Việt và có định hướng cụ thể cho kiến trúc nông thôn và quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm, tinh thần cộng đồng của mỗi người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Thanh (Thực hiện)