Theo tờ Channel News Asia của Singapore, kinh tế toàn cầu suy thoái và mức tăng trưởng chậm của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2015, ngoại trừ Việt Nam.
 
 
Tờ Channel News Asia khẳng định, trong năm 2015, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đã thành công trong việc duy trì ổn định và tăng trưởng.
 
Theo số liệu do chính phủ đưa ra hôm 26/12, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý bốn của Việt Nam đã tăng nhanh nhất trong 5 năm, lên mức 7.01% so với 6,9% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tăng trưởng cũng đã tăng từ 6,87% trong quý ba và dễ dàng vượt mục tiêu mà chính phủ đặt ra là 6,2%. Những con số này đã đưa Việt Nam vào nhóm đầu tăng trưởng GDP ở Đông Nam Á.
 
images1435034_kinh_te_vn_2015_2.jpgKinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong năm 2015. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, xếp ở vị trí thứ hai là Philippines có tỷ lệ tăng trưởng trong quý ba là 6% và các chuyên gia kinh tế cho biết nước này có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra  như ban đầu. Các quốc gia trong khu vực khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore cũng phải chịu mức tăng trưởng chậm trong năm 2015, chủ yếu là do sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, Malaysia có tỷ lệ tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn hai năm qua.
 
Sức mạnh
 
Một lĩnh vực mà Việt Nam thực hiện tốt hơn các quốc gia trong khu vực đó là xuất khẩu. Theo các số liệu chính thức, xuất khẩu đã tăng 8,1% trong 12 tháng qua, trong khi nhập khẩu cũng leo lên mức 12%.
 
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương của IHS Global Insight, cho rằng tính đàn hồi thương mại đã góp phần vào thành công của Việt Nam, theo đó, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng và thu được những thành công nhờ đa dạng hóa các ngành xuất khẩu.
 
Ông Glenn Maguire, trưởng ban cố vấn kinh tế của ngân hàng ANZ, nhận định: “Tăng trưởng và thương mại trong khu vực đang trên đà giảm bắt nguồn từ việc Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế cũng như sự hồi phục của Mỹ và các nền kinh tế thu nhập cao, dẫn đến nhu cầu về dịch vụ nhiều hơn hàng hóa. Điều đó có nghĩa là các nhà xuất khẩu hàng hóa thụ động sẽ phải gánh hậu quả này, ví dụ như Indonesia hay Malaysia”.
 
Trong khi đó, Việt Nam được xem là đã khá linh động khi thay đổi đầu tư vào các mặt hàng và hình thức xuất khẩu đa dạng hơn.
 
Thứ hai, Việt Nam cũng đạt được sự tăng trưởng về mặt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ lợi thế địa lý, chi phí lao động và chi phí sản xuất rẻ cũng như việc Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại trong khu vực. Sự dao động của các mức lãi suất quốc tế cũng giúp dòng chảy FDI đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD trong năm 2015, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Các nhà kinh tế cũng nhắc đến yếu tố phục hồi của tăng trưởng tín dụng khi chính phủ Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc xóa nợ xấu vốn là rào cản cho tăng trưởng kinh tế.
 
Theo tuyên bố từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 24/12, tăng trưởng tín dụng hàng năm đạt 18% trong năm 2015, vượt qua cả mục tiêu của chính phủ là 17%. Trong khi đó, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm 2,72% tính đến 30/11, giảm so với mức 2,93% hồi tháng 9.
 
Theo chuyên gia kinh tế Vishnu Varathan của Ngân hàng Mizuho, Singapore, sự tụt giá của đồng Việt Nam cũng góp phần vào tăng trưởng này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ giá tiền đồng ba lần trong năm nay, lần mới nhất là vào tháng 8.
 
“Thay vì hạ giá một cách bất ngờ, các bước đi của Việt Nam được thực hiện từ từ và có sự liên kết tốt. Điều này giúp giảm bớt áp lực cho nền kinh tế”, ông Varathan nói.
 
 
Năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn
 
Trong thời gian tới, các nhà phân tích tin rằng câu chuyện thành công của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục kể cả khi lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam chỉ tăng 0,6% trong tháng cuối năm 2015, đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001 nhờ giá dầu giảm.
 
Lạm phát luôn ở mức thấp có thể dẫn tới nguy cơ giảm phát ngay lập tức nhưng các nhà phân tích cho rằng đó không phải là mối đe dọa cho một thị trường đang nổi như Việt Nam. 
 
“Với tình hình phát triển như hiện nay, mức lạm phát thấp không ảnh hưởng tới tốc độ tiêu dùng của người dân. Thay vào đó, lạm phát thấp hoặc bằng 0 có thể sẽ trở thành một hình thức cứu trợ kịp thời. Đây sẽ là một trong nhiều sắc thái của các nền kinh tế đang phát triển nơi mức lạm phát thấp không phải là nỗi lo lắng lớn như thường thấy ở các nền kinh tế phát triển”, ông Varathan phân tích.
 
Ông Biswas đến từ HIS nhận định rằng mức lạm phát thấp sẽ cho phép tỷ lệ lãi suất cũng ở mức thấp và giảm bớt áp lực cho vấn đề tăng lương do lạm phát. Điều này sẽ giúp hình thành một môi trường kinh tế ổn định, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng các yếu tố trên sẽ không hoàn toàn giúp Việt Nam thoát khỏi những nguy cơ từ bên ngoài như môi trường thương mại toàn cầu thiếu trong sáng và sự suy thoái kinh tế Trung Quốc.
 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của Channel News Asia, phiên bản điện tử tiếng Anh của kênh Asian TV News (Singapore).
 
Theo Infonet