Sắp bước vào mùa mưa, chuyên trang Xe hơi giới thiệu một vài kinh nghiệm bảo quản xe, giúp người sử dụng cho xe hoạt động ở trạng thái tốt nhất. 
images963485_7.jpg
Kiểm tra xe
 
Xem lại hệ thống gạt nước mưa. Đây là hệ thống an toàn quan trọng khi lưu thông dưới trời mưa. Gạt nước mưa không hoạt động hay gạt không sạch sẽ làm giảm tầm nhìn, dễ rơi vào tình huống nguy hiểm.
 
Hãy dùng khăn sạch hay giấy mềm lau kỹ phần lưỡi gạt bằng cao su. Nếu phần cao su của gạt bị chai hay quá mòn, phải thay thế.
 
Với đa số các dòng xe, người cầm lái có thể tự thay bộ phận này, chỉ cần đo chiều dài của lưỡi gạt và hỏi mua đúng kích cỡ. Nhớ bật công tắc kiểm tra hoạt động của bộ phận này ngay sau khi thay để xem đã gắn đúng vào khớp hay chưa. Nếu chưa vào đúng vị trí, sau vài lần gạt, lưỡi gạt cao su sẽ tuột ra.
 
Kiểm tra các lỗ, rãnh thoát nước. Sau một thời gian dài không sử dụng, các lỗ, rãnh thoát nước ở nắp capo, nắp khoang hành lý, cửa sổ trời (nếu có) có thể bị tắc vì bụi hay bất cứ thứ gì lọt vào. Hãy chú ý làm sạch những nơi này để giữ cho nội thất xe không bao giờ bị nước mưa "tấn công".
 
Luôn đầy bình nước rửa kính. Khi xe di chuyển dưới trời mưa, bụi bẩn, bùn đất luôn hắt lên kính lái và cả kính sau xe. Vì vậy kính phải luôn được được làm sạch.
 
Kiểm tra mực nước và chú ý đổ đầy bình nước rửa kính. Pha thêm dung dịch lau kính để nhanh chóng làm sạch những vết ố trên kính do mưa đầu mùa thường có hàm lượng Acide cao gây ra.
 
Kiểm tra hệ thống phanh. Đi dưới trời mưa bao giờ ma sát cũng giảm. Nếu hệ thống phanh đã kém tác dụng, người lái dễ bị cuống và đạp mạnh phanh, làm xe dễ bị trượt và mất kiểm soát.
 
Mang xe đến garage kiểm tra gầm. Đưa lên cầu nâng để kiểm tra các mối hàn, đường dập kim loại bên hông, các chi tiết khung, dưới gầm. Nếu bị gỉ sét, cần xử lý dứt điểm bằng cách làm sạch, sơn hoặc phủ bằng dung dịch xịt gầm.
 
Khi chạy xe trong mưa
Chạy chậm hơn ít nhất 20% tốc độ tối đa cho phép so với trời khô và giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước. Ngoài lý do vì đường trơn, đi dưới trời mưa sẽ làm tầm nhìn của người tham gia giao thông giảm. Khi đó phản ứng sẽ chậm hơn và thường bị bất ngờ vì không làm chủ được tay lái.
 
Luôn làm sạch kính.Không chỉ là kính lái, gương chiếu hậu mà còn là kính phía sau. Khi chạy dưới trời mưa và đóng kín cửa, thường kính bị mờ từ phía trong.
 
Nếu xe vẫn sử dụng máy lạnh, nên chuyển nút chỉ hướng gió sang tính năng thổi lên kính. Còn không, hãy hé cửa kính xuống mức hợp lý với vè che mưa để kính giảm hẳn mờ nước.
 
Luôn bật đèn chiếu gần, đèn sương mù. Điều này không chỉ giúp người lái quan sát đường tốt hơn, mà còn giúp những "bác tài" khác nhận biết sự có mặt của xe bạn. Không sử dụng đèn pha trong mưa, dù ban đêm, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho các xe khác cùng lưu thông.
 
Đừng cố lội nước. Không phải mẫu xe nào cũng thiết kế để "bơi" khi nước đã dâng cao hơn sàn xe. Nếu để xảy ra sự cố, nhẹ nhất là người lái phải dầm mưa đẩy xe. Hậu quả sẽ còn lớn và nặng nề, như thủy kích, trôi xe...
 
Trong điều kiện ngập ít, hãy tắt các thiết bị đi kèm, kể cả máy lạnh, chạy chậm và đều ga ở số mạnh nhất để tránh nước theo đường ống xả vào động cơ.
 
Sau khi đi mưa
Mùa mưa, các chủ xe nên lưu ý gửi xe ở các bãi có mái che
Xịt gầm, rửa xe. Đây là công đoạn quan trọng để bảo quản xe. Trời mưa kéo dài, đi một chút là bẩn nên đa số "bác tài" đều để vài ngày, thậm chí hằng tuần hay chờ khi nắng mới rửa xe. Khi đó, quá trình han gỉ một số bộ phận dưới gầm xe diễn ra nhanh chóng. Mặt khác, khi bùn đất lọt vào các khớp chuyển động như đầu láp ngang, hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái... sẽ tạo ma sát mạnh làm rỗ các bề mặt, mẻ các bánh răng.
 
Giữ xe trong tình trạng khô ráo. Nên đậu xe ở nơi có mái che, cao ráo và thoáng gió. Nếu để xe ngoài trời, phải phủ bạt. Vào mùa mưa, độ ẩm bên trong cabin luôn ở mức cao. Vì vậy cần mở cửa khi trời nắng ráo và hút bụi, làm vệ sinh. Nội thất của xe bị ẩm sẽ là nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn tr-uyền bệnh sinh sôi.
 
Bảo dưỡng hệ thống điện, lọc gió, phanh. Độ ẩm cao nên các chi tiết của hệ thống điện có nguy cơ bị hỏng hóc, nếu không được kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời.
 
Bụi bẩn và bùn đất trong mùa mưa là tác nhân làm tắc lọc gió động cơ. Cũng cần làm sạch hệ thống phanh và hạn chế kéo phanh tay, nếu như xe không chạy trên 5 ngày. Hơi nước có trong bố phanh sẽ làm hoen gỉ và gây bó chặt phanh.
 
Theo doanhnhansaigon