Khó khăn với JAS-39 Gripen
Truyền thông phương Tây cho biết, ngay từ giữa năm 2016, Việt Nam đã đàm phán sơ bộ với tập đoàn Saab của Thụy Điển và Dassault của Pháp để mua chiến đấu cơ.
Thông tin này không quá bất ngờ bởi hồi năm 2016, hãng Reuters cũng đã đăng tải thông tin rằng Việt Nam đang đàm phán để mua Gripen hoặc máy bay Rafale của Pháp để thay thế cho phi đội MiG-21. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có bất cứ tuyên bố nào về thông tin này.
Mặc dù vậy, theo phân tích của National Interest, trong trường hợp lựa chọn 1 trong 2 dòng máy bay này, Việt Nam đều có thể gặp khó trong quá trình mua sắm và sử dụng.
Với trường hợp của JAS-39 Gripen, đây là loại máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, nhỏ gọn có tính năng cao do Thụy Điển sản xuất. JAS-39 được thiết kế với một cặp cánh delta lớn và cánh mũi đậm chất châu Âu.
Máy bay có ưu điểm là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800m, trong quá trình chiến đấu chỉ cần mất vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ trang là lại có thể cất cánh.
Gripen được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất của Thụy Điển và châu Âu trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm hoạt động tối đa 120 km.
Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 có 67% của Thụy Điển và châu Âu còn lại 33% là của Mỹ. Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của Gripen gồm 1 pháo 27mm Mauser BK-27, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverich.
Tiêm kích Gripen với các đặc tính: nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng, chi phí bảo trì rẻ xứng đáng là ứng viên lý tưởng để thay thế MiG-21. Tuy nhiên, rất tiếc Việt Nam lại gặp phải những trở ngại sau nếu như có ý định mua máy bay này.
Trước hết, máy bay sử dụng động cơ Volvo Aero RM-12 mua lại bản quyền của Mỹ cùng toàn bộ vũ khí trang bị đều theo chuẩn Mỹ và NATO khiến Việt Nam không thể tiếp cận trong tình cảnh vẫn chịu lệnh cấm vận vũ khí sát thương, nếu chuyển đổi sang hệ Nga thì lại cực kỳ tốn kém.
Hơn nữa do các thiết bị trên máy bay đến từ quá nhiều quốc gia nên sẽ gây khó khăn cho nước sử dụng khi phải tiến hành sửa chữa, thay thế và mặc dù chỉ là tiêm kích nhẹ nhưng giá của JAS-39 lên tới trên 60 triệu USD, cao hơn cả Su-30MK2 hiện có trong trang bị của Không quân Việt Nam.
Máy bay Pháp đắt đỏ
Còn với trường hợp Rafale, đây là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, đây cũng chính là tiêm kích hiện đại nhất đang được Không quân Pháp sử dụng.
Máy bay được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình cùng hệ thống chiến tranh điện tử Spectra được quảng cáo sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.
Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khi thao diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.
Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; trọng lượng rỗng 9.060 kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km. Các thông số này của Rafale còn vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga.
Rafale mặc dù có tính năng chiến đấu cực ưu việt, có thể nói là số 1 trong các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay nhưng lại có nhược điểm là giá quá cao, lên tới trên 125 triệu USD/chiếc, hơn gấp đôi Su-30MK2 nên tỏ ra không phù hợp để trang bị với số lượng lớn nhằm thay thế vai trò tiêm kích nhẹ của MiG-21.