Từ nhiều năm nay, loại hình báo viết phát triển mạnh và phong phú. Điều đó giúp cho bạn đọc hàng ngày tiếp cận với nhiều thông tin trên mỗi tờ báo khác nhau. Với cán bộ chủ chốt cấp xã, mỗi ngày có ít nhất 4- 5 tờ báo ngành, báo đảng và tạp chí, bản tin... đồng nghĩa với một khối lượng thông tin rất lớn đến với họ.

Trong số những tờ báo đó địa phương phải đặt mua, với số tiền hàng tháng là không nhỏ. Song, có một thực tế là nhiều cán bộ không mấy quan tâm đến báo chí. Đi công tác ở cơ sở, nhất là miền núi, tôi thấy trên bàn làm việc của Bí thư, Chủ tịch của một số xã những tập báo được xếp đặt rất gọn gàng. Tò mò tôi dở báo ra xem, mới hay những tờ báo này vẫn còn nguyên, chưa hề có nếp gấp nào khác! Ngó lên nóc tủ, chồng báo cao tới nửa mét.

Có vị cán bộ xã nói, hàng ngày do bận nhiều việc, nào họp hành, tiếp dân, tiếp khách... không còn thời gian để đọc báo. Cũng không sai, nhưng nếu thực sự quan tâm đến báo thì chắc chắn vẫn còn thời gian để lướt qua những trang báo mới, đặc biệt là những tờ báo đảng, nhiều thông tin chính thống liên quan đến đời sống xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương nên xây dựng bảng tin đặt ở địa điểm nào đó phù hợp, hàng ngày đem báo ra dán lên cho nhân dân cùng đọc, hoặc bằng nhiều cách khác để nhân dân dễ tiếp cận với báo chí.

Mỗi tờ báo có nội dung khác nhau, nhưng với báo đảng của trung ương và địa phương hàng ngày đăng tải những chủ trương, chính sách mới cần phải nắm bắt.

Những địa phương, có hệ thống loa truyền thanh đã khai thác "điểm báo", là cách làm hay. Nhưng với Nghị quyết, văn bản dài người dân chỉ nghe suông thì làm sao nhớ nổi. Nên báo in rất cần cho người dân. Nhưng thật lãng phí khi báo lần lượt nằm "nóc tủ"! Trong khi rất nhiều người dân muốn đọc báo để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế, áp dụng các bài thuốc chữa bệnh dân gian... nhưng không có báo.


Xuân Hoàng