(Baonghean) - Sự ra đời của Nghị định 80/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thiết lập được quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục, ngăn chặn được vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.
Những “lỗ hổng” lớn
Cuối năm 2016, khi tiếp xúc với 2 em nữ sinh ở huyện Quỳnh Lưu đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cửa Đông (TP. Vinh) sau khi các em bị nhóm bạn đánh hội đồng, cảm nhận được vết thương về thể chất mà các em đang đối mặt. Vết trầy xước trên cơ thể, những khối u cục nổi hằn trên da đầu rồi sẽ hết nhưng vết thương lớn nhất là sự sợ hãi, xấu hổ chẳng biết đến bao giờ mới lành lại.
Trước đó 2 tháng, một vụ ẩu đả xảy ra giữa nhóm học sinh Trường PTDT bán trú THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) khiến 3 nạn nhân trọng thương, một em nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trên phạm vi cả nước, xuất hiện không ít những vụ việc tương tự; thậm chí nhiều vụ việc còn để lại hậu quả rất thương tâm. Nhìn vào đó, có lẽ chúng ta đã có câu trả lời “liệu môi trường giáo dục đã thực sự an toàn, lành mạnh hay chưa?”.
Nhìn ở khía cạnh khác, ở một số cơ sở giáo dục, chính giáo viên cũng chưa có cách ứng xử văn hóa, chưa thực sự làm gương cho học sinh. Cuối tháng 5/2017, một cô giáo tại Trường Tiểu học Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) dùng thước đánh nhiều lần lên cơ thể một học sinh lớp 1 khiến em này bị ốm, sốt, sức khỏe suy nhược và sợ sệt khi đến trường.
Đó là những “lỗ hổng” về môi trường giáo dục cần được nhìn nhận thẳng thắn. Nhiều nhà tâm lý, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức đã phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân của vấn đề nhưng cho đến nay, một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh đúng nghĩa vẫn chưa thành hiện thực.
Khi câu chuyện học trò đánh nhau được quy cho sự khủng hoảng tâm lý, sự non nớt, bồng bột của lứa tuổi thì những hành vi không chuẩn mực của giáo viên hoàn toàn không có lý do để thanh minh, biện bạch. Tuy vậy, những câu chuyện không hay vẫn xảy ra, vấn nạn về bạo lực học đường vẫn khiến nhiều phụ huynh trăn trở.
Ngăn chặn bạo lực học đường
Sự ra đời của Nghị định 80 được kỳ vọng là lời giải đáp cho bài toán bạo lực học đường hiện nay. Nếu như trước đây, các giải pháp mang tính gợi ý thì từ năm học này, những quy định bắt buộc sẽ được thực hiện tại tất cả trường học. Theo đó, các trường cũng phải công khai kế hoạch phòng chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường.
Đặc biệt, điểm mới là tất cả các trường học phải có biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường. Cụ thể, phát hiện kịp thời và tham vấn, tư vấn cho người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ này. Ngoài ra, Nghị định 80 cũng quy định tất cả các trường phải đưa chương trình giáo dục về bạo lực học đường vào nội dung dạy học.
Ông Nguyễn Huy Anh – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Nghệ An nhận định: Những giải pháp được đưa ra là sát với thực tiễn. Tuy nhiên, việc triển khai có đạt được kết quả như mong muốn hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục và cả xã hội. Trong đó, vai trò quan trọng nhất là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Chỉ khi tạo ra cho các em được một môi trường tốt, chan hòa, nhân ái thì các em cũng có cách cư xử tương tự như thế với bạn bè đồng trang lứa”.
Việc thiết lập hộp thư góp ý, đường dây nóng cũng được coi là biện pháp hỗ trợ hữu hiệu khi có những vụ bạo lực học đường xảy ra bên ngoài cánh cổng trường học, nằm ngoài tầm kiểm soát của giáo viên và phụ huynh. Chị Đặng Thanh Bình (phụ huynh học sinh, trú phường Trường Thi, TP. Vinh) chia sẻ: Về phía phụ huynh học sinh, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, miễn là con em được học tập trong một môi trường lành mạnh.
Hiện các trường học trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ nhưng việc tổ chức thực hiện cần chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Phan Xuân Hoài Linh – Giáo viên, Bí thư Đoàn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh) cho biết: “Hơn ai hết, giáo viên là người mong muốn xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Cho nên, chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào năm học mới này. Khi bạo lực học đường xảy ra, không nên chỉ quy trách nhiệm cho nhà trường, đổ lỗi cho gia đình thiếu trách nhiệm uốn nắn, dạy dỗ con cái. Đẩy lùi bạo lực học đường là nhiệm vụ của toàn xã hội. Nghị định mới ra đời kỳ vọng sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu chữa dứt điểm căn bệnh này”.
Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi trường giáo dục cần được đáp ứng phải là nơi mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; môi trường không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa; người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái. |
Phương Thảo