(Baonghean) - Có lần, trong chuyên mục “Chân dung và Đối thoại”, nhà văn Trần Đăng Khoa đã nói về sự so sánh của độc giả khi đọc tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Chị Dậu trong “Tắt đèn” vì cứu chồng mà bán chó, bán con. Còn Fantine trong “Những người khốn khổ” thì để có tiền gửi về cho con còn phải bán răng, bán tóc, và còn tấm thân cũng “đành bán nốt vậy” - bán mình. Rồi so sánh ai vĩ đại hơn ai. Cãi cọ xung quanh câu chuyện này đã quá nhiều, cả trên phương diện văn học, xã hội học,... cả những người “hăng máu vịt” thì cãi chứ cũng chẳng cần căn cứ phương diện hay chuyên ngành nào cả, và đến nay chưa có hồi kết. 

Kể ra, thỉnh thoảng có tranh luận như thế thì đời sống văn học cũng thêm phần vui, vì dẫu chưa hay không có hồi kết thì cũng chẳng... chết ai, hại ai cả. Hugo vẫn là Hugo, Ngô Tất Tố vẫn cứ là Ngô Tất Tố. Duy chỉ có điều, những người mẹ, dù Việt hay Pháp thì vẫn cứ cam chịu, nhẫn nại, và nhận phần hy sinh về phần mình, kể cả điều tiếng. Nên đằng sau câu chuyện so sánh ấy, cứ thấy buồn buồn.

Chợt nhận ra, hình như hễ cứ viết về người mẹ là viết về cam chịu, nhẫn nhục và hy sinh. Ở bất cứ nơi đâu cũng vậy. Ngay như tiểu thuyết Người Mẹ của M. Gorki - đại văn hào Nga, bà Pelagaya Nilovna hiền từ, nhu nhược, sợ chồng, chỉ vì tình yêu với đứa con làm “chính trị chống nhà vua”, mà bà dần từng bước tham gia và đấu tranh cách mạng. Vì thương con, lo lắng cho con, mà bà đọc những thứ con đọc, quen những người con quen, rồi đến chỗ hành động những điều con mình hành động. Ngoài hình ảnh con đường người mẹ đến với cách mạng từ quá trình tự phát đến tự giác, thì đó là hình ảnh người mẹ vĩ đại một đời yêu con, vì con, đến cả từng hơi thở cũng gấp gáp vội vàng vì con.

Hôm mình ngồi cà phê ở tầng 27 ngắm thành phố, kể chuyện này với chị bạn làm ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ. Chị bảo nói đâu cho xa, ngay trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mình cũng nói về người mẹ tần tảo lam lũ, quên mình vì con như thế mà. Rồi chị hát cho mình nghe “Thập ân phụ mẫu”. Khi chị cất lên giọng hát khe khẽ, mọi người trong quán cà phê thấy hay quá đều yên lặng nghe. Thế là quán cà phê hiện đại bỗng lan tỏa thanh âm dịu dàng bài “Thập ân phụ mẫu”... Mình bị ám ảnh bởi một câu ca đầy hình ảnh: “Chiếu chăn ướt tầm tầm/ Ướt thì mẹ chịu đành tâm/Ráo rênh thì mẹ dịch con nằm được yên”... Lúc này, mới thấm thía nhận định Dân ca xứ Nghệ vừa dân dã thôn quê, vừa sâu đằm bác học. 

Mình cười bảo Dân ca xứ Nghệ là di sản thế giới rồi mà. Chị nói, thế thì  tình cảm của người mẹ xứ Nghệ cũng ở tầm nhân loại rồi chứ. Ừ, đúng thế mà! Hơn nữa, thiên chức người mẹ ở đâu mà chẳng vậy, làm gì có biên giới! Kể cả sự cam chịu, nhẫn nhục, hy sinh!

Cây Ngô Đồng