(Baonghean) - Được chia tách khỏi huyện Nghi Lộc để sáp nhập về TP. Vinh từ năm 2008 và được công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Vậy nhưng, người dân xã Nghi Liên vẫn chưa nhận thấy họ là cư dân thuộc thành phố, bởi những bức xúc về thực trạng điện sinh hoạt.
Phản ánh của người dân
Câu chuyện đến với chúng tôi không bắt đầu từ người dân Nghi Liên mà từ ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Vinh. Trong một dịp đến cơ quan dân cử của thành phố làm việc, chúng tôi được nghe ông Ngọc buông lời: “Thật đáng băn khoăn cho xã Nghi Liên, về thành phố lâu rồi mà nhu cầu về điện của đại đa số cử tri vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ...”.
Về xã Nghi Liên, quả đúng “đáng băn khoăn”. Vùng cửa ngõ thành phố Vinh này có tới 19 xóm và các cán bộ xã khẳng định, hầu như xóm nào cũng tình trạng điện yếu, nhất là vào giờ cao điểm. Và lý do là bởi “Địa bàn xã Nghi Liên rộng, trong khi trạm hạ thế ít, công suất thấp nên không đảm bảo cung ứng đủ cho dân...”.
Tại xóm 4, nơi có Làng nghề hoa cây cảnh nức tiếng xa gần, được nhiều đoàn trong ngoài tỉnh đến tham quan học tập, khi đề cập đến vấn đề điện, Xóm trưởng Nguyễn Ngọc Trành cho biết: “Chuyện ấy xảy ra từ 3 - 4 năm rồi. Có nhiều lần họp xóm, chúng tôi phải mang cả đèn ắc quy ra sử dụng cho chủ tọa và thư ký ghi chép. Nói chung về điện sinh hoạt, còn khổ lắm...”.
Theo ông Trành, cả hai xóm 3, 4 tới hơn 300 hộ dân, bên cạnh đó còn có vài doanh nghiệp và điện chiếu sáng Quốc lộ 1A nhưng chung một trạm hạ thế. Trước đây trạm có công suất 180KWA, thời gian qua công suất trạm được nâng lên hơn 300KWA nhưng vẫn không đảm bảo. “Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần tại các cuộc họp HĐND, đề nghị Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo HTX dịch vụ có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn mãi tình trạng này...” - bác Trành nói.
Còn ở xóm 8, khi nghe tin có báo chí về “hỏi thăm” nội dung điện sinh hoạt, cả Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng và Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi cùng đến tiếp chuyện. Như đại diện người cao tuổi là ông Nguyễn Văn Tiến phàn nàn thì thực trạng điện yếu đã có từ 7 - 8 năm nay vì xóm 8 nằm cuối nguồn, cách trạm biến áp khoảng 1.200m. Nếu nấu cơm bằng nồi điện phải từ quãng 9 -10h sáng, hoặc lúc 3 - 4h chiều, vì vào giờ cao điểm mà nấu thì chỉ thấy nồi cơm sủi bọt lình sình chứ không chín nổi. “Khổ lắm các anh ạ. Cứ hình dung trời nắng bức thế này mà quạt đang quay lại dừng đột ngột, ti vi đang xem bỗng tối um màn hình thì sao chịu thấu...” - ông Tiến bức xúc.
Còn Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thanh và Xóm trưởng Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, họ hết sức bức xúc vì nghe báo đài đưa tin toàn tỉnh có hàng trăm đơn vị xã, nhưng chỉ còn duy nhất 2 xã chưa bàn giao được hạ tầng lưới điện về cho ngành Điện quản lý, trong đó có xã Nghi Liên! “Chúng tôi luôn nghĩ, phải bàn giao hạ tầng điện về cho ngành Điện, chuyển việc quản lý điện ở Nghi Liên về thành phố theo địa giới hành chính. May ra khi đó hạ tầng điện mới được quan tâm nâng cấp, dân mới hết khổ vì điện yếu...” -Xóm trưởng Nguyễn Văn Hòa nói.
Khó khăn dài lâu?
Tìm hiểu tại HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp xã Nghi Liên được biết, dù sáp nhập đơn vị hành chính vào thành phố Vinh từ năm 2008, nhưng cho đến nay các vấn đề về điện sinh hoạt ở nơi đây vẫn đang trực thuộc Điện lực Nghi Lộc. Về hạ tầng điện, từ đường dây, cột... được dân góp vốn đầu tư từ những năm 80 thế kỷ trước; sau đó, được đầu tư nâng cấp từ kinh phí “sinh lợi” của HTX tổng hợp dịch vụ nông nghiệp điện năng Nghi Liên. Toàn xã có 10 trạm hạ thế, trong đó có 2 trạm số 3 và số 4 do HTX và người dân đóng góp kinh phí xây dựng chưa được hoàn trả vốn.
Về việc bàn giao tài sản lưới điện hạ áp về cho ngành Điện, theo như Giám đốc HTX, ông Nguyễn Đăng Tuấn thì, được triển khai từ năm 2015. Nhưng mãi đến năm 2016 mới chốt được vốn đầu tư tài sản trên 3,3 tỷ đồng. Và hồ sơ đã được HTX, Điện lực Nghệ An xác nhận chuyển về Hội đồng đánh giá tài sản của UBND TP. Vinh.
Tuy nhiên, trong một số cuộc họp do Sở Công Thương chủ trì để bàn về hướng bàn giao, ngành Điện đã trả lời không có tiền để hoàn trả... Ông Tuấn nói: “Ngành Điện trả lời như vậy là không đúng với Thông tư số 32/2013 của liên Bộ Công Thương và Tài chính về hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn. Nếu chúng tôi thực hiện bàn giao, số tiền đầu tư tài sản sẽ mất...”.
Về thực trạng điện sinh hoạt và những bức xúc của người dân xã Nghi Liên, cũng đồng thời là các hộ gia đình xã viên HTX, ông Tuấn cho biết, HTX đã báo cáo thực trạng này bằng văn bản lên UBND tỉnh, Sở Công Thương và Điện lực Nghệ An và qua đó, kiến nghị hướng xử lý. “Chỉ cần nâng cấp và xây dựng thêm 4 trạm biến áp, điện sinh hoạt ở xã Nghi Liên sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, ngành Điện trả lời khi chưa thực hiện bàn giao ngành Điện sẽ không đầu tư...” - ông Tuấn trao đổi.
Khi được hỏi: “Nhìn nhận thực trạng và nhu cầu sử dụng điện của xã viên như vậy, tại sao HTX không chia sẻ với những khó khăn của ngành Điện để đẩy nhanh tiến độ bàn giao lưới điện?”, ông Tuấn nói rằng, để đảm bảo nhu cầu về điện sinh hoạt của người dân, biện pháp mà HTX tính đến là khi chưa thực hiện bàn giao, đề nghị ngành Điện đầu tư dắm thêm 4 trạm biến áp, về phía HTX, sẽ gia cố hệ thống lưới điện.
Còn về việc hoàn trả vốn, phải thực hiện theo Thông tư 32, chậm nhất là sau 36 tháng, ngành Điện phải hoàn trả vốn. Hoặc “Cần có một cơ quan có thẩm quyền, xác nhận về việc hoàn trả vốn, thời gian trả... Khi đó, HTX sẽ thực hiện bàn giao”.
Có cứng nhắc quá hay không trong việc hoàn trả vốn và bàn giao hạ tầng lưới điện ở xã Nghi Liên? Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo xã Nghi Liên đã ngán ngẩm: “Tôi nghĩ chỉ khi nào người ta đặt vấn đề quyền lợi của người dân lên trên thì khi đó mới giải quyết được. Còn không, khó lắm...”.
Nhật Lân