Những lý do lãng xẹt
Khoảng 3h45 ngày 26/12, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (đóng tại địa bàn thị xã Hoàng Mai), Nguyễn Văn Hội (31 tuổi, trú huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ châm lửa đốt phòng bệnh. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, khói bao trùm toàn bộ tầng 2 của dãy nhà khoa Ngoại. Hội là bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ngoại của bệnh viện này. Sau khi phóng hỏa, Hội gây náo loạn, đánh đập một số bệnh nhân cùng điều trị tại đây.
Lúc này, nữ điều dưỡng Lê Thị H. tới can ngăn liền bị Hội túm tóc khống chế và đánh tới tấp. Khi bị cảnh sát khống chế, Hội có dấu hiệu say rượu. Anh ta khai nhập viện vì bị tai nạn giao thông ít giờ trước. Trong lúc hút thuốc lá tại phòng bệnh, bị nhắc nhở, ấm ức, Hội châm lửa đốt luôn bệnh viện rồi tấn công những người khác... Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Hơn 1 tháng trước, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, nhiều ngày liền, đội ngũ y, bác sĩ phải làm trong vô vàn áp lực. Vụ việc xảy ra sau sự cố y khoa khiến 2 mẹ con sản phụ người nguy kịch, người tử vong. Điều đáng nói, chưa cần biết ai sai ai đúng, hàng chục người nhà bệnh nhân bao vây phòng đẻ, gây áp lực với bác sĩ. Họ thậm chí ngăn cản bệnh viện đưa sản phụ lúc đó đang nguy kịch chuyển lên tuyến trên cấp cứu, đồng thời nhiều người còn live stream trên Facebook với nội dung “bác sĩ giết người”.
Một lãnh đạo bệnh viện cho hay, vì sức ép quá lớn, một bác sĩ sản khoa khác đã không giữ được bình tĩnh, run tay làm rách da đầu một bé sơ sinh trong quá trình mổ đẻ. “Không ai có thể làm việc được nếu hàng chục người nhà cứ vây quanh phòng bệnh gây áp lực. Đặc biệt là đối với công việc cần sự chính xác, tỉ mỉ như chúng tôi”, vị này nói. Không chịu nổi áp lực, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu thậm chí phải gửi đơn xin nghỉ việc...
Không chỉ có ở các bệnh viện tuyến huyện với đội ngũ bảo vệ mỏng, các bệnh viện lớn trên địa bàn cũng không tránh khỏi tình trạng này. Tháng 2/2019, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, 3 người nhà bệnh nhân đã gây náo loạn, hành hung bác sĩ chỉ vì nguyên nhân không được đáp ứng yêu cầu có bác sĩ đi cùng xe cấp cứu. Còn tại Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh, 2 đối tượng Đậu Đình Hiếu, Đậu Đình Khôi đã tấn công bác sĩ gây thương tích vì cho rằng “bác sĩ không biết khám bệnh”.
Theo Công an TP. Vinh, biểu hiện gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế là việc người nhà bệnh nhân tụ tập, phản đối, gây sức ép khi bệnh nhân tử vong hoặc khi không được đáp ứng yêu cầu. Trong 5 năm qua, chỉ riêng tại TP. Vinh, có ít nhất 14 vụ gây rối tại các cơ sở y tế với nhiều mức độ khác nhau. Đáng chú ý như vụ việc xảy ra ở Bệnh viện 115 Nghệ An cách đây không lâu. Thời điểm đó, tại Khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 40 tuổi bị tai nạn giao thông. Sau đó, một số người nhà của bệnh nhân này có mặt đòi vào phòng cấp cứu, khi bị bảo vệ ngăn cản liền xảy ra xô xát. Một lúc sau, hơn 30 người khác có mặt gây náo loạn bệnh viện...
Cần tăng cường các giải pháp an ninh
Trong những năm gần đây, tình hình mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế diễn biến ngày càng phức tạp, diễn ra trên diện rộng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo lãnh đạo một bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Vinh, sở dĩ xảy ra tình trạng trên bên cạnh yếu tố chủ quan thì cũng có nhiều yếu tố khách quan. Trong đó, chủ yếu là do tình trạng quá tải bệnh viện, do quy trình tiếp nhận, thăm khám bệnh nhân còn bất cập, chưa đồng bộ. Môi trường bệnh viện phức tạp, công tác quản lý chưa toàn diện, lực lượng an ninh chưa đảm bảo về cả số lượng và chất lượng, trong khi hệ thống kỹ thuật an ninh hỗ trợ còn chưa phát huy hiệu quả...
“Thêm nữa là những sự cố, tai biến y khoa xảy ra khiến người không giữ được bình tĩnh. Bản thân mỗi người đều muốn rằng mình được ưu tiên, được chăm sóc tốt nhất khi vào bệnh viện. Tuy nhiên, trong y khoa, tai biến là rất khó lường và khó kiểm soát, khi tai biến xảy ra, nếu người nhà và người bệnh không được giải thích một cách rõ ràng, kịp thời, họ sẽ tỏ ra bức xúc, dùng những lời lẽ thô tục hoặc gây rối, đập phá tài sản, nghiêm trọng hơn còn hành hung bác sĩ”, vị này cho biết thêm.
Tại một hội nghị bàn về công tác phối hợp giữa 2 ngành Công an và Y tế được tổ chức mới đây, lãnh đạo 2 ngành đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến tình trạng gây rối, mất an ninh tại các cơ sở y tế. Nhiều hạn chế đã được chỉ ra như lực lượng nhân viên bảo vệ tại nhiều cơ sở y tế chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhất là phản ứng khi có tình huống nguy hiểm. Các bảo vệ phần lớn né tránh, không làm tốt nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, biện pháp an ninh tại một số bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, chưa đưa ra các quy chuẩn thiết kế, xây dựng bệnh viện cơ sở hạ tầng về an ninh như camera an ninh, hệ thống chuông báo động, kiểm soát ra vào của nhiều cơ sở y tế còn sơ sài.
Ngoài ra, một trong những tồn tại khác là các sự cố y khoa còn nhiều. Liên quan vấn đề này PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, những sự cố y khoa là điều không mong muốn và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Chỉnh cũng cho rằng, sau các sự cố, người thầy thuốc bị “chùn tay” do áp lực từ dư luận xã hội. Giám đốc Sở Y tế đề nghị các cấp, ngành, xã hội luôn đồng hành, ủng hộ với ngành, xem xét đúng sai một cách thấu đáo. Đồng thời, ngành Y tế hứa nỗ lực nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ cũng như chất lượng khám, chữa bệnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong thời gian tới.
Để đảm bảo an ninh ở các bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp với Công an tỉnh, mở các cuộc thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan an ninh trật tự tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những hành vi hành hung nhân viên y tế.