(Baonghean) - Với lưu lượng người đông, nhiều kẽ hở nên bệnh viện là nơi thuận lợi để trộm cắp lợi dụng, gây rối. Đặc biệt, thời gian vừa qua nhiều bệnh viện đã xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em sơ sinh. Điều này đòi hỏi công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho gia đình bệnh nhân, người bệnh và cả đội ngũ y bác sỹ.

Lực lượng vệ sỹ kiểm soát chặt chẽ thẻ ra vào ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Lực lượng vệ sỹ kiểm soát chặt chẽ thẻ ra vào ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong những bệnh viện có số lượng người vào ra đông nhất với trung bình 1 ngày hơn 3.000 lượt người. Điều đó gây khó khăn lớn cho quá trình kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện, nhất là khi bọn tội phạm luôn có nhiều mánh khóe để qua mặt lực lượng an ninh và vệ sỹ trong bệnh viện. “Phổ biến nhất là hình thức giả trang” – ông Nguyễn Hữu Thành – Tổ phó tổ bảo vệ cho biết. 

Thông thường, để tránh sự chú ý của người nhà bệnh nhân và các lực lượng chức năng, kẻ gian thường đột nhập vào bệnh viện như một người thăm bệnh thật sự. Có khi chúng mang theo đường sữa, hoa quả để dễ trà trộn vào các phòng thăm. Hoặc đôi khi chúng vào khu vực khám bệnh, mua phiếu khám bệnh như người bình thường. Sau đó, lợi dụng sự đông đúc nơi khu vực nộp tiền lấy hóa đơn để dễ dàng rạch đồ móc túi. Hoặc cũng có trường hợp làm thẻ, áo quần bệnh nhân giả để ra vào bệnh viện dễ dàng. Bệnh nhân lầm tưởng là người thăm nom nên không đề phòng. Đợi đến khi bệnh nhân có việc phải ra ngoài, chúng dễ dàng lấy trộm. Táo tợn hơn là cướp giật điện thoại khi sơ hở hoặc gửi xe máy, tráo lấy xe tốt hơn. Tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An mỗi năm có hàng chục vụ mất cắp đã bị phát hiện, riêng năm 2013 đã phát hiện 33 vụ móc túi và cướp giật tài sản. Hai trường hợp bị mất xe máy của nhân viên và 1 trường hợp bị mất xe máy của khách. Anh Vi Văn Trừng ở xã Nga My, huyện Tương Dương, đi chăm anh trai nằm ở hành lang của khoa chấn thương thì bị tên Trần Xuân Phương ở xã Hưng Hòa lợi dụng  trộm điện thoại. Sau đó, hắn xuống khoa Sản trộm thêm một chiếc nữa thì bị phát hiện. Hay trường hợp  kẻ gian ngang nhiên vào phòng mạng của bệnh viện bẻ khóa lấy đi 4 màn hình máy vi tính.

Bên cạnh nạn trộm cắp thì tình trạng người lạ, người nhà vào các bệnh viện gây rối cũng diễn ra khá nhiều. Như vụ việc diễn ra vào 10h đêm ngày 20/11/2013, trong khi vào thăm người nhà tại Bệnh viện Nhi, do mâu thuẫn cá nhân, hai đối tượng Dương Văn L và Dương Văn T (ở xóm Phong Phú, xã Hưng Hòa) đã đánh anh Đậu Khắc Việt là nhân viên nhà xe ở bệnh viện bị thương. Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, chỉ riêng năm 2013 đã có 18 vụ gây rối, chống người thi hành công vụ, đánh người gây thương tích hoặc  đe dọa bác sỹ, nhân viên y tế và đập phá tài sản công. Đối tượng gây rối trật tự thường là những băng nhóm xã hội đen, khi bị kích động hoặc có yêu cầu là chúng đến gây náo loạn, hoặc một số trường hợp là người nhà bệnh nhân vì nóng tính, uống rượu hoặc không hài lòng với cách ứng xử của nhân viên bệnh viện đã bức xúc dẫn đến hành động không kiểm soát. Ngoài ra còn có hiện tượng các con nghiện lợi dụng nơi kín đáo ở các bệnh viện để tiêm chích vào giờ vắng người, gây dư luận không tốt và gây hoang mang cho người nhà và bệnh nhân.

Mặc dù hoạt động của bọn trộm cắp khá phức tạp, nhưng hiện nay việc theo dõi, bắt giữ là hết sức khó khăn. “Ngay tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh mặc dù đã có lực lượng bảo vệ chuyên trách 10 người, thuê thêm 12 vệ sỹ, sử dụng nhiều biển chỉ dẫn, biển báo ở những nơi nhạy cảm để bệnh nhân, người nhà đề phòng cảnh giác, nhưng 2 năm trở lại đây số vụ mất cắp vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm” – ông Phạm Sỹ Thông – Trưởng phòng Hành chính – quản trị Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho biết. Về phía đơn vị công an, Thiếu tá Trần Việt Thắng - Phó Trưởng Công an phường Hưng Dũng cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến bọn tội phạm chọn các bệnh viện để làm địa bàn hoạt động. Thứ nhất là ở các bệnh viện lượng bệnh nhân đông, số lượng người ra vào nhiều, dễ trà trộn. Bên cạnh đó, ở một số bệnh viện đối tượng người bệnh là bệnh nhân nghiện ma túy bị nhiễm HIV,  bệnh nhân đang phải chấp hành án khá đông nên việc quản lý khá phức tạp…Trong khi đó, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nhiều nơi vì thiếu phòng bệnh nên bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang không có cửa che chắn, bảo vệ, tạo kẽ hở cho bọn tội phạm hoạt động.

Việc bắt giữ trộm cắp cũng hết sức khó khăn, bởi tài sản mà chúng trộm cắp thường có giá trị nhỏ, chưa đủ để xử lý theo hình sự. Việc xử lý với hình thức xử phạt hành chính chưa đủ mạnh để răn đe.

Trước thực trạng này, giải pháp tốt nhất vẫn là đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải chủ động trong việc phòng ngừa tội phạm, tăng cường lực lượng an ninh, vệ sỹ, lực lượng tuần tra bảo vệ; lực lượng công an tăng cường phối hợp với lực lượng an ninh ở các bệnh viện lập thành tổ công tác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo, trộm cắp. Việc triển khai cần phải  được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên và lâu dài thì mới đem lại hiệu quả và lập lại được an ninh trật tự ở các bệnh viện.

Mỹ Hà