(Baonghean) - Hoạt động của các làng nghề đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, vì vậy, lĩnh vực này đang cần có những giải pháp đảm bảo phát triển bền vững.
 
images1150242_h__ch_a_nu_c_th_i___x_m_ng_c_van__x__di_n_ng_c__di_n_ch_u_.jpgHồ chứa nước thải ở xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) bị ô nhiễm nặng.
 
Đến xóm Ngọc Văn xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), chúng tôi thực sự khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ hồ chứa nước thải và mùi khói khét từ các cơ sở chế biến hải sản. Hồ chứa nước thải đen kìn kịt, đủ các loại rác thải trôi lềnh bềnh trên mặt nước, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nối liền bể chứa nước là hệ thống cống chảy ra sông Đào, nước chảy ngấm vào đất, nước giếng của người dân.
 
Ông Phạm Xuân Vượng, người dân sống ở gần hồ chứa nước thải bức xúc: “Quanh năm sống trong mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ không khí đến nguồn nước. Lo nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ở đây chúng tôi chỉ dám dùng nước mưa, 2 năm gần đây thì đầu tư hệ thống nước máy. Các nhà máy bột cá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mong muốn của bà con nơi đây là sớm di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư”.
 
Làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn được công nhận làng nghề năm 2008. Làng có trên 100 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ phát triển theo hướng làng nghề tự phát, sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình. Quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, nguồn nước thải không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên.
 
Mặc dù, tại đây UBND tỉnh cho phép lập dự án: “Xây dựng hạ tầng làng nghề chế biến hải sản” trong đó có hạng mục hồ sinh học xử lý nước thải, tuy nhiên, không thi công phần đáy và nắp đậy nên nước thải ngấm vào đất, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề hơn và ảnh hưởng đến hệ thống nước giếng của người dân xung quanh. Thực trạng trên cũng xảy ra ở nhiều làng nghề chế biến hải sản ở huyện Diễn Bích. Nguyên nhân là các cơ sở chế biến hải sản nằm rải rác ở khu dân cư. Mặc dù các hộ có xây bể lọc nước thải nhưng không đúng quy định nên mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
 
Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra tại 2 làng nghề bánh bún Hậu Hòa và Trung Thành, thuộc xã Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc), do chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nên nước từ các cơ sở sản xuất không qua xử lý đổ trực tiếp vào hệ thống mương trong làng, gây ô nhiễm. Cùng đó, các cơ sở sản xuất mộc Tĩnh Gia, Thái Sơn (Đô Lương) còn gây ô nhiễm về khói bụi, không khí, tiếng ồn… Qua khảo sát thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề là trong quá trình triển khai không phù hợp với quy hoạch cơ bản. Trong khi đó, các hộ làm nghề chỉ mới chú trọng đến lợi nhuận mà chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Các làng nghề chủ yếu được hình thành từ quy mô nhỏ lẻ, tự phát, nằm trong khu dân cư. Việc xử lý môi trường ở các cơ sở sản xuất như vậy chủ yếu là thủ công nên dẫn đến ô nhiễm môi trường xung quanh. 
 
Trước thực tế đó, các địa phương cũng đã có những giải pháp nhằm hạn chế tính trạng ô nhiễm. Tại xã Diễn Ngọc, giải pháp trước mắt của xã là mua hóa chất về xử lý khử mùi và tuyên truyền các hộ ký cam kết đảm bảo môi trường trong sản xuất, tuy nhiên việc khắc phục ô nhiễm môi trường ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Nguyễn Ngọc Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Xã đã đầu tư xây dựng đường nước sạch từ Công ty nước sạch Diễn Châu cho làng nghề. Về lâu dài, người dân Diễn Ngọc đang mong chờ Dự án nâng cấp cải tạo cảng cá Lạch Vạn đã được Bộ NN&PTNN phê duyệt. Cùng đó, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải làng nghề chế biến thủy hải sản Ngọc Văn do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư sẽ sớm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường của địa phương.
 
Vớt rác, vét bùn để tránh tình trạng ứ đọng mương thoát nước.
 
Còn ở làng nghề bánh bún Huỳnh Dương, UBND xã Diễn Quảng đã xây dựng Đề án “Dân vận khéo về vệ sinh môi trường Làng nghề xóm 3”, giao cho Hội phụ nữ xã dọn dẹp khu vực mương, vớt rác, vét bùn để tránh tình trạng ứ đọng. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các hộ làm bánh bún phải có ý thức chịu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, về lâu dài để phát triển làng nghề theo hướng bền vững cần có quy hoạch và đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 345 làng có nghề, trong đó có 133 làng đã được công nhận làng nghề, với nhiều loại hình như: dệt thổ cẩm, chế biến nông sản, chế biến thủy hải sản, mây tre đan, nghề mộc, ươm tơ… nhìn chung các làng nghề chủ yếu hình thành tự phát nằm trong khu dân cư và hầu như không có quy hoạch. Hệ thống hạ tầng công trình xử lý môi trường hầu như chưa được đầu tư xây dựng nên mỗi làng nghề đều có mức độ tác động môi trường khác nhau.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Hưng Cử - Phó Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: “Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề một cách đồng bộ là vấn đề đáng quan tâm của các địa phương và mỗi làng nghề. Yêu cầu đặt ra là Ban quản lý làng nghề, chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo các quy trình xử lý chất thải, nước thải, khí thải, tiếng ồn của mỗi hộ làm nghề”.
 
Thanh Lê