(Baonghean) - Việc sử dụng túi ni lông đã thành thói quen hàng ngày với đa số người dân. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng chỉ quan tâm đến tiện ích mà không nghĩ tới hậu quả của ni lông đối với môi trường và sức khỏe con người.
Tràn lan dùng túi ni lông
Đi chợ mua thực phẩm là công việc hàng ngày của chị Phạm Hải Yến (khối 12, phường Trường Thi, TP. Vinh), bình quân mỗi ngày đi chợ chị dùng 5 - 7 chiếc túi ni lông các loại. Cũng như chị Yến, hầu hết các bà nội trợ đều sử dụng rất nhiều túi nylong vì sự tiện lợi của nó.
Còn đối với người kinh doanh, luôn sẵn sàng các loại túi nylong đủ kích cỡ, màu sắc… Chị Trần Thị Phương - chủ cửa hàng tạp hóa Phương Sơn ở chợ Phong Toàn (TP. Vinh), bình quân mỗi tháng dùng 5 - 6kg túi ni lông các loại để đựng hàng hóa cho khách hàng với chi phí khoảng 200.000 đồng.
“Giờ mọi hàng hóa đều cho hết vào túi ni lông, rất nhiều khách hàng khi mua hàng còn xin kèm thêm mấy túi nữa. Hàng thực phẩm khô dùng bằng túi ni lông đã đành, tôi thấy nhiều người còn lạm dụng túi ni lông để gói cháo, phở đồ ăn nóng mang về nhà. Việc sử dụng túi ni lông ở nước ta cũng như các nước trên thế giới tăng lên không ngừng. Vì tính tiện dụng nên người dân ngày càng lệ thuộc vào túi ni lông” - chị Phương chia sẻ.
Túi ni lông đang hiện diện hàng ngày trong đời sống của chúng ta vì sự tiện dụng của nó. Kết quả phân tích của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Nghệ An cho thấy, có 4,54% nhựa và túi ni lông trong thành phần rác thải sinh hoạt của người dân thành phố Vinh.
Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân huỷ. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường còn gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khoẻ con người. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi ni lông hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. |
Điều đáng nói là nhiều người dân vẫn “vô tư” dùng túi ni lông vì sự tiện ích mà không nghĩ tới hậu quả khôn lường. Nhất là việc xử lý túi ni lông hiện nay chủ yếu bằng thu gom đốt, tạo thành chất rất độc hại. Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng túi ni lông vẫn được thải ra môi trường với khối lượng và tần suất nhiều hơn.
Vì vậy, việc tìm hướng đi cho vấn đề rác túi ni lông, khuyến cáo và có chế tài với việc sử dụng túi ni lông là rất cần thiết. Nếu không có biện pháp kiểm soát việc sử dụng và thải bỏ túi ni lông thì không bao lâu nữa rác thải từ túi ni lông sẽ là mối đe dọa về không gian sống với con người.
Tiếp tục nâng cao ý thức cho người dân
Nhận thức được tác hại từ túi ni lông đối với sức khỏe con người và môi trường nên gia đình anh Nguyễn Văn Sơn khối 1, phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), hạn chế tối đa việc sử dụng. Là người có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài với việc thực thi các chế tài nghiêm ngặt liên quan đến môi trường, nên anh thấm nhuần và thường nhắc nhở các thành viên trong gia đình và hàng xóm về ý thức bảo vệ môi trường từ việc hạn chế sử dụng túi ni lông.
“Gia đình tôi sắm hai chiếc làn để dùng cho việc đi chợ mua thực phẩm, còn rác thải sinh hoạt đều cho vào xô nhựa đến giờ thu gom rác, nhân viên vệ sinh tự đổ rác lên xe. Vì thế, đã nhiều năm gia đình tôi không phải dùng chiếc túi ni lông nào để đựng rác sinh hoạt”- Anh Sơn cho biết.
Còn với các tiểu thương, việc sử dụng túi ni lông cho khách cũng cần tiết kiệm, mỗi loại hàng hóa cần sử dụng kích cỡ túi phù hợp. Khi khách hàng xin thêm túi, cần giải thích “không phải vì mình tiếc mấy túi ni lông mà quan trọng là dùng nhiều túi ni lông không tốt, ảnh hưởng đến môi trường nhất là ảnh hưởng đến thế hệ con cháu mai sau”. Một số chủ cửa hàng còn tăng cường sử dụng thùng, hộp các-tông đóng hàng cho khách khi mua số lượng lớn...
Còn tại các hệ thống cửa hàng phân phối lớn, siêu thị, từ mấy năm nay đã chuyển sang sử dụng bao bì tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường. Để hạn chế việc sử dụng túi ni lông, cuối năm 2011, khi Luật Thuế Bảo vệ môi trường bắt đầu được áp dụng, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng lên, họ dần dần sử dụng tiết kiệm túi ni lông.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Thuế Tài nguyên môi trường chỉ tạo ra ảnh hưởng nhất định trong thời gian đầu. Việc tăng giá túi ni lông cũng chỉ làm giảm bớt sự tiêu thụ và thải túi ni lông ra môi trường bên ngoài trong một giai đoạn nhất định.
Cũng theo Luật Thuế Bảo vệ môi trường, mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Tuy nhiên, giá túi ni lông hiện nay được bán ở các chợ vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/kg, trong khi đó túi tự hủy có giá thấp nhất cũng hơn 50.000 đồng/kg. Chính vì vậy, loại túi ni lông thân thiện môi trường (dễ phân hủy) dù đã được miễn thuế nhưng cũng không thể cạnh tranh về giá bán với túi ni lông thông thường. Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn sử dụng túi ni lông thông thường.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi ni lông.
Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn, như phân loại rác túi ni lông để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại... Chỉ hạn chế tiêu dùng thôi chưa đủ, cần thiết phải hạn chế ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu. Bởi lẽ các nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận không quan tâm hiểm hoạ của việc dùng túi ni lông. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của túi ni lông với việc bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.
Thanh Lê