(Baonghean) - Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng hạ tầng, nhà ở gia tăng, theo đó, nghề xây dựng tự do phát triển mạnh và được coi là nghề dễ kiếm sống. Đáng lo ngại là vấn đề an toàn lao động của những người làm nghề xây dựng tự do đang bị thả nổi...

Nguy hiểm cận kề
Chúng tôi đến một trong những ngôi nhà 3 tầng đang được xây dựng ở khu quy hoạch Tecco - xóm 18, Nghi Phú (TP.Vinh), những người thợ đang làm việc ở độ cao hàng chục mét mà không hề trang bị bảo hộ lao động.  
 
Để lên được chỗ làm của họ, ngoài việc phải leo tới mấy lần cầu thang chưa có lan can, còn phải trèo lên một chiếc thang được đóng sơ sài bằng những thanh gỗ mỏng. Vậy mà những người thợ vẫn di chuyển, trộn vữa, xây tường bình thường. Vật liệu được chuyển lên bằng dây tời với 2 cây gỗ buộc chéo nhau cắm chênh vênh trên thành.
images1477599_44.jpgCác thơ xây nhà ở làm việc trên cao không hề có các trang thiết bị bảo hộ lao động (ảnh chụp tại một công trình xây dựng nhà ở ở xóm 13- xã Nghi Phú)
 
Anh Lê Văn Hạ - một người thợ xây trú ở xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) cho biết: “Những ngày đầu mới đi làm tôi cũng rất sợ, làm mãi thành quen, giờ thì không thấy sợ độ cao nữa. Hầu hết chúng tôi thành nghề là từ phụ xây chứ ít người được học qua trường lớp tử tế. Đây là nghề nguy hiểm, chúng tôi chỉ biết tự nhắc mình, nhắc nhở nhau cẩn thận trong công việc thôi”.
 
Ở một công trình xây dựng khác, người thợ bê một thanh gỗ dài bước từ đầu này sang đầu kia trên bức tường mới xây như diễn viên xiếc “đi thăng bằng trên dây”. Trên sàn cốt pha, vô số mảnh ván đinh đóng lởm chởm để vương vãi. Đứng ở vị trí tầng 4 của ngôi nhà này nhìn ra mới thấy xung quanh như một công trường xây dựng lớn: nhà thì đang lên tầng, có nhà đang đổ mái, nhà đang trát tường… Một số thợ đứng cheo leo trên những giàn giáo bằng gỗ.
Một người thợ cho biết thêm: “Làm việc ở độ cao, lại không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động, người mới vào nghề thì hơi sợ, còn chúng tôi làm lâu nên quen rồi. Kể ra có giàn giáo sắt thì cũng yên tâm hơn, nhưng di chuyển nó vừa nặng, phải tháo lắp rất mất thời gian. Chính vì vậy chủ thầu toàn dùng giàn giáo gỗ để bớt chi phí và công vận chuyển”.
 
Thả nổi quản lý
 
Trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh, tốc độ phát triển về hạ tầng nhà ở diễn ra nhanh, nhiều lao động chọn nghề thợ xây để kiếm sống. Đối với các công ty xây dựng lớn, có uy tín thì việc ký kết hợp đồng lao động cũng như thuê nhân công diễn ra minh bạch. Người lao động phải đạt được một số yêu cầu khắt khe do công ty đưa ra mới được ký hợp đồng, kèm theo chế độ bảo hiểm lao động. Trong khi đó, các chủ thầu tư nhân lại thuê công nhân theo thời vụ và không đòi hỏi gì ngoài tay nghề, không có hợp đồng lao động cùng các chế độ kèm theo.
 
Hiện nay, một số đội xây dựng tự do được các chủ thầu tư nhân lập ra dao động khoảng trên dưới chục người, tùy theo từng công trình. Thông thường, các công trình xây dựng tư nhân hiện nay được làm hợp đồng rất chặt chẽ. Phía chủ nhà tạo mặt bằng thi công, lo vật liệu. Phía chủ thầu chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tiến độ thi công và mọi vấn đề về an toàn lao động. Hợp đồng là thế nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác.
Các thợ xây hầu như không được trang bị bảo hộ lao động.
 
Anh Trần Văn Thọ - một chủ thầu ở xã Nghi Đức (TP. Vinh) cho biết: “Hiện nay các đội xây dựng tự do mọc lên như nấm nên tính cạnh tranh khá cao. Do đó, buộc phải nhận một lúc nhiều công trình mới có thu nhập. Công nhân trong các đội như chúng tôi thường là quen biết hoặc có họ hàng với nhau. Khi làm việc, anh em thường bảo nhau chú ý cẩn thận để tránh tai nạn, còn về các vấn đề liên quan đến an toàn lao động thì khó có thể lo được. Hơn 10 năm làm nghề này, ở đội xây của tôi chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào. Khi thi công các công trình nhà ở TP. Vinh, tôi thường thấy đội trật tự ở các phường, xã đến giám sát việc thi công có đúng quy hoạch, thiết kế hay không chứ chưa bao giờ thấy kiểm tra về bảo hộ an toàn lao động”.
 
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tai nạn lao động đối với nghề xây dựng tự do, nhưng thực tế đã có không ít vụ tai nạn trong nhóm nghề này, nhẹ thì gây thương tích nhỏ, nặng thì tàn tật hoặc thậm chí tử vong. 
 

Từ thực trạng này, có thể thấy, để khắc phục những nguy cơ tai nạn lao động đối với lao động tự do, trước hết cần sự tự giác của chủ công trình, các nhà thầu xây dựng trong việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động cả trong quá trình xây dựng đến khi hoàn công đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát an toàn lao động đối với các công trình xây dựng nhà ở ở địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Hường -  Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện rất khó xử lý những trường hợp mất ATLĐ xảy ra với người làm nghề xây dựng tự do, bởi không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra tai nạn, họ cũng không báo ngành chức năng hay chính quyền. Lao động tự do, lao động nông nhàn làm thuê cho các đơn vị xây dựng đều không qua đào tạo, nhận thức của họ về vấn đề ATLĐ còn thấp. Thường thì khi xảy ra tai nạn, chủ thuê và thợ làm thoả thuận, đền bù trên cơ sở tự nguyện, bởi trước đó hai bên đã ký hợp đồng xây dựng, có quy định người thợ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ATLĐ. Chúng tôi cũng chưa bắt gặp trường hợp nào lao động hay người nhà lao động bị tai nạn lại kiện cáo chủ thầu vì thực chất, một phần lỗi cũng thuộc về họ. .

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN