Vây chôn không tiêu, đâm thủng lốp ô tô
Đã có mấy chục năm làm thương lái chuyên thu mua thủy sản cho các hộ dân trong vùng, chưa bao giờ ông Phạm Xuân Trường, ở xóm 1, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư (Thái Bình) thấy cá dọn bể xuất hiện nhiều như thế ở ao hồ, sông ngòi trên địa bàn.
“Mấy năm trước một mẻ lưới có khi chỉ xuất hiện vài con nhưng giờ thì nhiều vô kể, cá biệt có ao thu được 3 tạ cá thì có đến 1 tạ là cá dọn bể. Rất nhiều loài thủy sản bản địa trong ao đã không còn” - ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, đặc tính của loài cá này là vây cực sắc “nhọn và cứng như đinh; tiêu hủy bằng cách chôn lấp cũng không ăn thua, thậm chí có thể làm thủng lốp ô tô, có những con to cả kilogam chả khác gì quái vật” - ông Trường quả quyết khẳng định. Ngoài ra, chúng có thể ăn hết “màu” của ao, làm các loài cá khác… không còn đất sống.
Chính vì khó tiêu hủy nên ông Trường cho biết, phần lớn các hộ sau khi thu cá dọn bể đều mang ra sông đổ. Sự vô tình này càng khiến cho loài cá này ngày càng sinh sôi nảy nở.
Hiểm họa ngoại lai mới
Thạc sỹ Vũ Thị Hồng Nguyên, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học và Nguồn lợi thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) khẳng định, cá dọn bể đang là một hiểm họa ngoại lai mới, sau rất nhiều loài ngoại lai đã có những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Gọi là cá dọn bể hay lau kính vì loài này ăn tạp (chất thải của cá khác, rong rêu bám trên thành bể...), nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc nhập loại cá này ở Việt Nam sẽ gây ra hiện tượng mất cân bằng sinh thái vì sau khi phát tán ra môi trường, chúng dễ thích nghi với môi trường sông nước.
Cá dọn bể có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu các loài cá khác có khả năng thích nghi kém sẽ chết. Nguy hiểm hơn do cá thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, hiện cá dọn bể đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống.
“Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 14 tỉnh, thành trên khắp mọi miền đất nước, từ Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Nam Định, Nghệ An đến Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp,… thực tế khiến ai cũng phải giật mình vì sự lây lan với tốc độ chóng mặt của loài cá dọn bể”, bà Nguyên nói.
Theo bà Nguyên, so với các tỉnh miền Bắc, mức độ sinh sôi của loài dọn bể ở Đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn rất nhiều. Bà con phản ánh, có những mẻ lưới có đến 50% là cá dọn bể, loài cá này nhẹ thì làm rách lưới, còn không có thể phá hủy bờ bao vì đặc tính của chúng là ăn rong rêu và các tạp chất trong môi trường nước.
Về tác hại của loài cá này, bà Nguyên cho rằng, chúng sẽ làm giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. “Thực tế, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, ở những nơi có nhiều cá dọn bể rất vắng bóng các loài thủy sản bản địa, Điều nguy hiểm nữa là sức sống của loài này rất mãnh liệt, việc tiêu hủy rất khó khăn, trong khi ý thức của người dân chưa cao, khi bắt được bà con lại thả ra ngoài môi trường tự nhiên” - bà Nguyên nói.
Trả lời câu hỏi về giá trị dinh dưỡng của loài này, bà Nguyên khẳng định: “Rất thấp và cho đến nay cũng rất ít người dám sử dụng như một loại thực phẩm”.
“Trong báo cáo đề xuất, chúng tôi cũng đã kiến nghị các ngành chức năng, các địa phương phải có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự phát triển của loài sinh vật ngoại lai này. Nếu không có hành động kịp thời ngay từ bây giờ thì hiểm họa sẽ rất khó lường” bà Nguyên khẳng định.