Dự Hội thảo có đồng chí Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập Báo Nghệ An; đại diện các cơ quan báo chí.
Về phía Học viện Báo chí Tuyên truyền có PGS.TS Lưu Đức An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền.
Đề dẫn tại Hội thảo khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt sự xuất hiện mạnh mẽ và liên tục của mạng xã hội đã tác động mạnh vào tất cả các yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông như một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc của các nhóm công chúng truyền thông.
Trước xu thế phát triển báo chí truyền thông hiện đại, báo chí truyền thông đa phương tiện đã và đang khẳng định vai trò của mình.
Với xu thế của truyền thông và ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong báo chí – truyền thông. Năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh khóa học đầu tiên của ngành này.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý các cơ quan, doanh nghiệp và các nhà báo trao đổi, thảo luận, thể hiện quan điểm và hướng tiếp cận mới, các ý kiến gợi mở về phát triển truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung vào các nội dung về: Dự báo xu thế phát triển cũng như các loại hình sản phẩm mới của ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan nhấn mạnh đến việc trang bị kỹ năng cho sinh viên ngành báo chí. Bên cạnh đam mê, người làm báo cần bản lĩnh, dấn thân và hy sinh, gắn kiến thức lý luận được trang bị ở nhà trường với thực tiễn sinh động để có tác phẩm báo chí hay, đẹp, đúng và trúng. Để làm được điều này người làm báo phải thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm để phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực hai ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện ở các cơ quan báo chí, các tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và các cơ sở đào tạo ngành báo chí truyền thông trong và ngoài nước. Qua đây đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hai ngành này, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực báo chí truyền thông chất lượng cho cả nước.