Đó là nội dung trong quan điểm xuyên suốt trong việc soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật Báo chí, được Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Luật báo chí (sửa đổi).
Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Luật Báo chí (sửa đổi) đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn xác định báo chí là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp có thu và vấn đề liên kết báo chí. Đây là vấn đề được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Luật Báo chí hiện hành.
Phát biểu quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhắc lại quan điểm của Đảng, của Bộ Chính trị về trong chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý báo chí.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: “Hiện nay, quan điểm xuyên suốt, nhất quán của ta là Việt Nam không có báo chí tư nhân. Nhưng các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, với pháp nhân, cá nhân có liên quan phù hợp với lĩnh vực liên kết”.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, ngay hội nghị Trung ương 10 khóa XI cũng khẳng định không để tư nhân sở hữu báo chí, không để lợi ích nhóm chi phối báo chí. Các cơ quan, tổ chức chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhắc lại quan điểm kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Quy hoạch báo chí. Nội dung nêu rõ, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng đặc biệt trong tình hình hiện nay. Đảng và Nhà nước phải nắm chắc phương tiện quan trọng này. Báo chí phải đặt dưới lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Chủ động định hướng, chỉ đạo, quản lý không để phát triển tự phát. Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt.
Không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng không để cho lợi ích nhóm chi phối. Báo chí không cần nhiều, mà cần tinh, chất lượng thực sự có khả năng chi phối định hướng thông tin xã hội. Nhất quán quan điểm, báo chí chúng ta là báo chí cách mạng, phương tiện quan trọng tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp sức mạnh quần chúng trong xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Báo chí phải góp phần nâng cao dân trí. Nội dung phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Để xây dựng hệ thống báo chí vững mạnh, có sức lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội là công cụ đấu tranh cách mạng, Đảng phải chỉ đạo, Nhà nước phải quản lý, đầu tư, đào tạo đội ngũ, tạo điều kiện cơ chế chính sách tài chính trên cơ sở tính toán chặt chẽ, phù hợp…
Trước đó, các ý kiến tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, đại diện Bộ Ngoai giao cho rằng, Luật báo chí có tác động quan trọng, có tính nhạy cảm cao. Phải rất thận trọng, không chỉ liên quan đến hoạt động báo chí trong nước, nước ngoài. Cần cân nhắc thể hiện nguyên tắc đảm bảo quyền tự do báo chí và thêm nguyên tắc quan hệ quốc tế báo chí.
Vấn đề liên kết trong cơ quan báo chí, đề cao tính chủ động tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí. Theo Bộ ngoại giao nhà nước đã có chính sách ưu đãi phát triển báo chí, không cần quỹ hỗ trợ phát triển báo chí nữa.
Giải đáp vấn đề quỹ hỗ trợ phát triển báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Hoàng Hữu Lượng cho rằng quỹ phát triển báo chí chủ yếu nhằm hoạt động đào tạo và tập trung nguồn lực để phát triển báo chí.
Theo Infonet