Đó là nội dung trả lời PV của ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong về “vai trò của báo chí, truyền thông với việc minh oan cho người oan khuất”.

Không phải bây giờ, việc đưa tin làm sáng tỏ những vụ án có dấu hiệu oan sai mới xuất hiện. Thực tế, trước đây báo chí cũng đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ án oan sai. Nhân vụ án oan ông Huỳnh Văn Nén vừa được sáng tỏ qua buổi công khai xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, câu chuyện áp dụng truyền thông báo chí và vai trò của truyền thông báo chí như thế nào trong các vụ án đã được minh oan? Báo chí nên làm như thế nào trước những vụ án có dấu hiệu oan sai?

Để giải đáp câu hỏi này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong. Ông Dương Xuân Nam là người đã chỉ đạo PV điều tra, xác minh nhiều vụ án oan, trong đó có vụ minh oan cho một giảng viên đại học bị kết tội giết người oan.

Ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

Thưa ông, hiện nay, câu chuyện về vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, đang khiến dư luận rất quan tâm, nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là vấn đề vai trò của truyền thông với việc minh oan cho những người oan khuất. Được biết, ngày còn làm Tổng biên tập báo Tiền Phong, ông đã chỉ đạo những tuyến bài minh oan cho những người bị oan khuất, ông vui lòng kể lại câu chuyện này chứ?

Cách đây gần 30 năm, báo Tiền phong đã lật lại một vụ án oan sai, vụ án Nguyễn Sỹ Lý ở Nghệ An. Lý là một cán bộ giảng dạy đại học Tây Nguyên, tết về phép thì xảy ra một vụ giết người trong làng... Lý bị tòa án kết án tội giết người. Ở trong tù, Lý cùng gia đình viết đơn kêu oan nhiều năm nhưng không có tác dụng gì cả. Có một người tù ở cùng là Cao Tiến Mùi thấy Lý bị oan, đã cố gắng cải tạo tốt để được ra tù sớm và sẽ tìm cách minh oan cho Lý. Sau khi ra tù Mùi tìm gặp một anh thợ sửa chữa đồng hồ phố huyện là Hồ Hồng Tuyến kể lại sự việc. Tuyến tìm đến báo Tiền Phong nhờ đưa lên mặt báo. Báo Tiền Phong (lúc đó tôi vừa mới lên làm TBT) đã cử PV Mạnh Việt về cùng Hồ Hồng Tuyến thẩm tra, viết nhiều kỳ đăng trên Tiền Phong. Phóng sự điều tra "Ba ngàn ngày oan trái" gây chấn động dư luận lúc đó. Các cơ qua chức năng vào cuộc và Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, trở lại làm cán bộ giảng dạy đại học ở Tây Nguyện. Hồ Hồng Tuyến sau này trở thành một nhà báo cộng tác viên đắc lực của báo Tiền Phong. Có lẽ đó là vụ án oan sai đầu tiên được báo chí minh oan ...

Ngày đó, để minh oan cho người khác, cá nhân ông và báo đã phải chịu những áp lực gì?

Rất nhiều áp lực. Trước hết là các cơ quan cấp trên luôn nhắc nhở, tôi phải thường xuyên lên báo cáo, giải trình. Thời đó chưa được cởi mở như bây giờ nên mệt lắm. Tôi nhiều lần lên gặp chánh án tòa án nhân dân tối cao để kiến nghị, giải trình... Cũng may, lúc đó ông Phạm Hưng, Chánh án Tòa tối cao biết lắng nghe và ông đã tích cực chỉ đạo cấp dưới kiên quyết phải làm rõ mọi điều ...Ý kiến của ông Phạm Hưng được đăng trên báo Tiền Phong lúc đó đã có tác dụng rất lớn ...

Từ câu chuyện này và câu chuyện của ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy, việc minh oan có phần góp công không nhỏ của báo chí, truyền thông. Ông đánh giá như thế nào?

Tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ của báo chí là bày tỏ chính kiến của mình trước những sự việc có liên quan đến nhiều người. Báo chí phải góp phần đấu tranh cho dân chủ hóa xã hội, cho công bằng, cho lẽ phải, đấu tranh vì những quyền lợi chính đáng của người dân... Báo Tiền Phong nhiều năm qua đã tích cực đấu tranh vì những điều đó, nhất là bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tuổi trẻ. Sau vụ Nguyễn Sỹ Lý, chúng tôi còn có nhiều vụ đấu tranh thành công như bảo vệ một thanh niên bị kết án tử hình khỏi án tử hình, khi ra tù báo còn liên hệ xin cho anh việc làm, tết nào anh ấy cũng mang hoa đến cảm ơn báo Tiền Phong.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, "truyền lửa" với đồng nghiệp về việc phát hiện và kiên quyết theo đuổi đến cùng với những vụ án "có dấu hiệu oan sai"?

Kinh nghiệm của tôi là: Sự thật. Phải vì sự thật, đấu tranh vì mục đích trong sáng, không vụ lợi, và phải có bằng chứng PHÁP LÝ. Tôi nhấn mạnh điều này vì có những sự thật đưa ra mà không có bằng chứng PHÁP LÝ thì gay lắm, bằng chứng PHÁP LÝ tức là phải có ghi âm, ảnh, hay các tài liệu, số liệu cụ thể...

Thưa ông, vậy những gia đình phát hiện thân nhân của mình có "dấu hiệu oan sai", ông có lời khuyên gì để họ đi đến cùng sự việc như ông Chấn, ông Nén, ông Lương Ngọc Phi.... và nhân vật mà ông kể?

Trước hết phải viết đơn kêu oan gửi đến các cơ quan chức năng, mà phải kiên trì để có thể xuyên thủng cái" thành trì" nhiều tầng, lớp…

Sau nữa phải tìm đến các cơ quan báo chí, những nhà báo chân chính, dám đấu tranh vì sự thật, lẽ phải...

Và nếu có bằng chứng cung cấp cho báo chí thì quá tốt...

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN