Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao xung quanh vấn đề đưa tin như thế nào.
 
Tại dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), điểm g, Khoản 1, Điều 10  ghi rõ,  hành vi sau bị cấm: đăng, phát ảnh hình ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện hợp pháp của người đó, trừ những trường hợp sử dụng ảnh buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, những người phạm tội đã bị tuyên án, hoặc nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đăng, phát hình ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó;
 
Như vậy, với quy định này, sẽ có nhiều thay đối trong cách đưa tin, nhất là đưa tin về các nghi can, theo hướng đảm bảo quyền con người. Khoản 1 Điều 31, Hiến pháp năm 2013 quy định:  “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
 
Trước đó chưa lâu, phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Lê Minh Hiền (Khách Hòa) thắc mắc “báo chí chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa có phải xin phép bị cáo không”. Nếu căn cứ vào quy định mới này, việc đưa tin về nghi can, đưa tin phiên tòa sẽ có nhiều thay đổi.
 
 Trung tướng Trần Văn Độ, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
 
Thưa ông, vừa qua,  Chính phủ đã trình lên Quốc hội dự thảo Luật báo chí (sửa đổi). Dự thảo này đã đưa ra một số hành vi bị cấm, để cân bằng giữa quyền  tự do ngôn luận và quyền công dân. Xin ông cho biết những  đánh giá của ông về các quy định này?
 
images1408758_trung_tuong_tran_van_do.jpgĐại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao (Ảnh Xuân Hải)
 
Trung tướng Trần Văn Độ: Những quy định cấm đó là đương nhiên, để báo chí không xâm phạm đến những lợi ích chung  của xã hội. Làm thế nào để báo chí phát triển tốt hơn nhưng lại không ảnh hưởng đến các quyền khác của công dân, của xã hội.
 
Liên quan đến quyền công dân, quyền con người, có một thực tế, vụ án chưa đưa ra xét xử, mới bắt được nghi can, trên mặt báo đã tràn lan hình ảnh của nghi can, thậm chí có báo đã khai thác rất kỹ nhân thân của họ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này, thưa ông?
 
Trung tướng Trần Văn Độ: Báo chí cũng phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Người bị buộc tội chỉ coi là có tội khi có bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật của Tòa án, theo thủ tục tố tụng nhất định. Do đó, những người mới bị khởi tố điều tra, mới chỉ là những người bị nghi phạm tội. Họ chưa phải là người phạm tội.
 
Theo tôi, nếu có đưa, báo chí chỉ nên đưa thông tin sự kiện, sự việc, còn hình ảnh, nhân thân. Còn bình luận có tội hay không có tội, đó là thẩm quyền của các cơ quan tố tụng đặc biệt là tòa án. Tòa án nhân danh Nhà nước phán quyết một người có tội, hay không có tội và áp dụng hình phạt với người đó.
 
Không nên, khi sự việc đang tiến hành điều tra, báo chí đã đi trước bình luận. Người ta gọi là “xử trước”, tạo nên áp lực không tốt với cơ quan tố tụng,  đặc biệt, tòa án không độc lập được, khi xét xử.
 
Mặt khác, không phải ai là nghi can sau khi điều tra đều là người có tội. Cũng có thể, khi nghi thì tội nặng, nhưng phán quyết thì tội rất nhẹ. Điều này gây khó khăn cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng.
 
Ông đánh giá thế nào về việc ở một số nước, khi bắt nghi phạm người ta trùm kín mặt người đó, báo chí không đăng hình ảnh nghi phạm mà đăng hình vẽ chân dung?
 
Trung tướng Trần Văn Độ: Về nguyên lý, một số nước trong quá trình điều tra, họ không đưa hình ảnh mà đưa ký họa. Ví dụ, trong động mại dâm, quán vi phạm trật tự xã hội, mà dùng hình ảnh đó phát đi phát lại. Có thể người hành nghề mại dâm chỉ là nạn nhân. Tại sao lại đưa thông tin lên báo chí. Như vậy, người đó rất khó có thể “có đường về”, khi xã hội định kiến.
 
Quay trở lại với Luật báo chí sửa đổi lần này, ông có đánh giá gì về những quan điểm mà dự thảo luật báo chí đề cập đến, thưa ông?
 
Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi thấy luật báo chí mới đưa ra đã thấm nhuần được tư tưởng mới của Hiến pháp 2013. Đó là quyền tự do ngôn luận của người dân và tăng cường quản lý.
 
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí mở rộng, báo nói, báo viết, báo mạng, nếu không quản lý khéo sẽ có biểu hiện lệnh hướng xâm phạm đến lợi ích nhà nước, cơ quan tổ chức , xã hội và công dân.
 
Quyền tự do ngôn luận, quyền con người  đã được Hiến pháp quy định rõ. Luật Báo chí lần này cụ thể hóa hơn. Theo tôi có sự mở rộng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, cùng với quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí phải đi kèm với quản lý chặt chẽ. Nếu không, quyền tự do của người này sẽ xâm hại đến quyền tự do của người khác.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Infonet