Nhiều băn khoăn
Theo quy định hiện hành có tất cả 12 hạng GPLX, bao gồm: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn tại Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), đang được Bộ GTVT lấy ý kiến rộng rãi sẽ chia GPLX thành 17 hạng (có 13 hạng có thời hạn và 4 hạng không thời hạn), gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Đáng chú ý, theo Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), tại Điều 97 về GPLX quy định: Hạng A1 chỉ lái xe từ trên 50 đến 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW đến 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, thay cho xe từ trên 50 đến dưới 175 phân khối như hiện nay. Ngoài ra, bằng lái ôtô hạng B1 sẽ dùng cho người lái mô tô 3 bánh thay vì lái ôtô số tự động 9 chỗ trở xuống, xe tải số tự động dưới 3,5 tấn như hiện nay.
Quy định trên khiến nhiều người lo lắng bởi hiện có hàng triệu người đang sử dụng GPLX A1, B1 và trong số này rất nhiều người đang sử dụng xe máy trên 125cm3 và lái ô tô số tự động dưới 9 chỗ. Đối với GPLX hạng A1, theo quy định hiện hành, người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xi-lanh từ trên 50cm3 đến dưới 175cm3. Với dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, chỉ cho phép người có GPLX hạng A1 được điều khiển xe có dung tích xi-lanh đến 125cm3 và động cơ điện có công suất từ 4 đến 11kW.
Quy định này khiến nhiều người băn khoăn khi các loại xe có dung tích xi-lanh từ 125cm3 - 175cm3 hiện nay tại Việt Nam khá thông dụng. Có thể kể tên một số loại xe như Honda SH 150cm3, Airblade 150cm3, Honda Winner 135cm3, Yamaha Exciter 135&150cm3, Yamaha Nouvo 135cm3 hay NVX 155cm3… Nếu quy định theo dự thảo được áp dụng thì những người đang sở hữu các loại xe này buộc phải chuyển hạng GPLX.
Anh Đặng Thọ Trường, trú ở Nghi Kim, TP Vinh cho biết: anh có GPLX hạng A1 cả chục năm nay và đang sử dụng xe máy 150cm3 làm phương tiện di chuyển chính. “Nếu dự thảo Luật GTĐB sửa đổi chính thức ban hành, trong đó có quy định về GPLX A1 thì tôi sẽ không được điều khiển xe máy của mình, cũng có nghĩa là tôi phải đi làm thêm một bằng lái nữa mới được sử dụng chiếc xe của mình. Điều đó là bất cập, phiền hà”, anh Trường bày tỏ quan điểm.
Không chỉ xe 2 bánh, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi còn đưa ra những quy định đối với xe ô tô. Một trong những đề xuất này là quy định bằng lái ôtô hạng B1 sẽ dùng cho người lái mô tô 3 bánh thay vì lái ôtô số tự động 9 chỗ trở xuống, xe tải số tự động dưới 3,5 tấn như hiện nay. Vấn đề này, chị Nguyễn Thị Hương, ở Nghi Long, Nghi Lộc cho hay: Tôi vừa mất tiền, mất thời gian để được cấp GPLX hạng B1 cách đây chưa được 3 tháng. Nhưng nếu theo dự thảo Luật GTĐB sửa đổi lần này, chẳng lẽ GPLX của tôi không còn giá trị, không đủ điều kiện để lái xe ô tô nữa???
Tại diễn đàn otofun Nghệ An, một diễn đàn lớn chuyên về xe, sau khi dẫn lại nội dung được đăng tải trên các báo liên quan đến phân hạng bằng lái xe, không ít người cũng tỏ ra lo lắng. Facebook Huong Nguyen hỏi “bằng B1 giờ có lái được xe morning không”, Facebook Tan Nguyen “Bằng B2 lái xe 20 năm rồi giờ tự nhiên xuống lái xe 3 bánh”, Facebook Le Tien Hung “Lại đổi bằng để thu phí”...
Hiểu thế nào cho đúng?
Trả lời các cơ quan báo chí những ngày qua, đại diện Tổng Cục Đường bộ, ông Lương Duyên Thống - vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, cho biết: Hiện các hạng bằng lái xe của Việt Nam không tương ứng với hạng bằng của nhiều nước cũng như quy định của Công ước Vienna về giao thông đường bộ mà Việt Nam đã tham gia.
Vì vậy, việc thay đổi, bổ sung các hạng bằng lái xe là nhằm phù hợp với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sử dụng bằng lái xe của Việt Nam khi ra nước ngoài và người nước ngoài sử dụng bằng lái xe của nước họ cấp tại Việt Nam. Việc này phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. Việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục, chi phí cho người dân.
Về những lo lắng của người dân, ông Thống cho biết lo lắng đó không có cơ sở bởi nguyên tắc của pháp luật là không hồi tố. Do vậy, khi luật mới có hiệu lực, những người đã được cấp bằng lái xe A1, B1 vẫn tiếp tục sử dụng bằng đã có để lái những loại xe như bằng lái đã quy định.
Cụ thể, với bằng lái A1 đã cấp không xác định thời hạn không cần phải đổi sang bằng lái hạng A để lái xe trên 125 phân khối. Chỉ cấp mới bằng A1, bằng A với người thi bằng lái môtô lần đầu. Với các bằng lái hạng B1 số tự động, B1, B2 số sàn hiện hành, khi hết thời hạn sẽ được đổi sang hạng bằng mới. Ví dụ, bằng B1 số tự động hiện nay được đổi sang bằng B2 mới; bằng hạng B1, B2 số sàn được đổi sang bằng hạng B. Khi đổi bằng lái hết hạn sẽ có tính phí như quy định hiện nay. Đối với người cấp mới, cấp đổi bằng lái xe sẽ áp dụng theo hạng bằng lái mới.
Như vậy, có thể hiểu đây chỉ mới là bước đầu dự thảo. Tuy nhiên, sau khi được công bố, cùng với việc tiếp cận của người dân, một số tờ báo không hiểu đúng dự kiến của dự thảo về việc tăng hạng GPLX đã vội đưa thông tin không đầy đủ, không chính xác khiến dư luận xôn xao, hoang mang.
Bởi vậy, trước khi đưa lên các trang thông tin điện tử toàn văn dự thảo luật hay nghị định, thông tư với nhiều điều khoản còn rối rắm, khó nắm bắt, cơ quan soạn thảo cần chủ động công bố thông tin ngay bằng họp báo giới thiệu, giải thích tường tận sự cần thiết ban hành và các nội dung quan trọng của quy định mới trong dự thảo. Cùng với đó, cần cung cấp những thông tin như quy định đó được đề ra dựa trên cơ sở nào, những nghiên cứu, khảo sát về sự ảnh hưởng, tác động của quy định đến những người có liên quan trực tiếp...
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện các cơ quan chức năng cấp tỉnh có liên quan như Sở Giao Thông, Sở Tư pháp... vẫn chưa tiếp nhận được dự thảo từ cấp trên để góp ý, việc tiếp nhận thông tin về dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) cũng chỉ qua các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội. Đồng thời cho rằng, mới là dự thảo thì quá trình lấy ý kiến, được quốc hội thông qua, đến khi triển khai thực hiện còn là cả một quá trình, theo đó sẽ còn có nhiều thay đổi.
Việc phân hạng GPLX thành 17 hạng theo như dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), có thể làm cho việc thực hiện các thủ tục cấp, đổi GPLX trở nên tốn kém, mất thời gian hơn, đi ngược lại với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân như hiện nay. Chính vì vậy, việc thay đổi Luật để phù hợp với chuẩn quốc tế là việc đáng ủng hộ, tuy nhiên cũng cần phải cân nhắc với thực tế ở Việt Nam hiện nay, đảm bảo tạo thuận lợi cho người dân.
Như vậy, người dân không cần phải lo lắng về bằng lái xe A1 không được điều khiển xe trên 125cm3, bằng lái xe B1 không được điều khiển xe ô tô...Khi luật mới có hiệu lực, những người đã được cấp bằng lái xe A1, B1 vẫn tiếp tục sử dụng bằng đã có để lái những loại xe như bằng lái đã quy định.
Tuy nhiên, với những băn khoăn, thậm chí lo lắng cho những bất cập, rắc rối có thể gặp phải nếu được thực hiện tại Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Thiết nghĩ, ban soạn thảo và tổ biên tập dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi cần tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của người dân để tiếp thu điều chỉnh các nội dung trong dự thảo luật cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi trong việc áp dụng.
Dự kiến, Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (cuối tháng 3/2021).