Cùng đi với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Phát biểu với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên và nhân dân địa phương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương gửi lời chia sẻ sâu sắc trước những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra đối với các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An nói chung và huyện Hưng Nguyên nói riêng; đồng thời chúc địa phương sớm khắc phục khó khăn, đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Với tinh thần tương thân, tương ái, Ban Tổ chức Trung ương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Đèo Cả trao ủng hộ đồng bào tỉnh Nghệ An 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.
Dịp này, Ban Tổ chức Trung ương đã trực tiếp trao quà cho 20 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mỗi hộ 5 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh cho biết, thời gian qua, tỉnh được sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cơ quan đơn vị 135 tỷ đồng để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương và các doanh nghiệp đã về Hưng Nguyên thăm hỏi, tặng quà dịp này.
Do hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn tỉnh trong các ngày cuối tháng 10 vừa qua đã có mưa to đến mưa rất to. Toàn tỉnh có 102 xã và xóm bị ngập nặng, trong đó có 52 xã, xóm bị cô lập, 19.000 ngôi nhà bị ngập, khoảng 8.000 hộ dân phải di dời khỏi vùng ngập và nguy cơ sạt lở. Mưa lũ cũng khiến xóm bị ngập lụt, 27 xóm bị cô lập. Có 6 ngôi nhà của dân bị sập đổ, 84 nhà bị hỏng một phần, 803 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng sạt lở đất; 18 điểm trường bị ngập lụt, hư hỏng 12 phòng học, gần 1.400m tường rào nhà trường bị đổ sập.
Hơn 885 ha lúa và gần 10 nghìn ha ngô và rau màu các loại, gần 6.500 ha diện tích thủy sản của người dân bị ngập chìm trong nước lũ; gần 140 nghìn con gia cầm và gần 457 con gia sú bị lũ cuốn trôi.
Ngoài ra, mưa lũ cùng khiến cho hơn 44km kênh mương bị sạt lở; cuốn trôi 23 cầu tạm và gây sạt lở hơn 51km đường giao thông địa phương, hỏng 2 trạm biến áp và gãy đổ 92 cột điện. Bên cạnh đó, mưa lũ còn khiến cho 55 vị trí cả Quốc lộ và tỉnh lộ bị ngập lụt, ách tắc giao thông, trong đó Quốc lộ 37 vị trí và tỉnh lộ 18 vị trí.
Nghệ An đã chủ động triển khai ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước; được Quân khu 4 đánh giá rất cao. Ngày 30-10, Tỉnh ủy Nghệ An có công điện khẩn về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9. Theo đó, Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ. Trước mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm…