Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành có nội dung liên quan.

 

bna_img_77272901552_2212021.jpgToàn cảnh phiên làm việc thường kỳ tháng 1/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến Đề án nghiên cứu khoa học - xã hội nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững ở Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. 

Đây là đề án quan trọng làm cơ sở tư tưởng chỉ đạo phương hướng phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở khoa học để hoạch định chủ trương, đường lối chính sách của Đảng; giữ vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

Dự thảo Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình cho thấy, nội dung đề án gồm: Đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và phát triển khoa học xã hội và nhân văn ở Nghệ An giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án 899).

Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trình bày dự thảo Đề án nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững ở Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng định hướng, nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; trong đó nhiệm vụ nghiên cứu tập trung vào các nhóm vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội; nhóm vấn đề lịch sử, văn hóa, con người; nhóm vấn đề dân tộc và tôn giáo; nhóm vấn đề quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Đề án cũng nêu lên 9 nhiệm vụ ưu tiên như: Phát triển lực lượng doanh nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu về cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo ở Nghệ An, đề xuất các giải pháp định hướng và quản lý góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; phát triển du lịch liên kết và du lịch bền vững của Nghệ An trong bối cảnh mới; tiếp tục hoàn thiện 7 tập sách: Nghệ An toàn chí;…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Cửa Lò phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Tại dự thảo Đề án, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về chủ trương: Xây dựng Đề án thành lập Viện Kinh tế - Xã hội Nghệ An trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An.

Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện một số ban Đảng Trung ương đã tham gia góp ý vào dự thảo Đề án như: Cần làm rõ sự cần thiết phải ban hành đề án; bổ sung thêm nhiệm vụ nghiên cứu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vào nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; nhân lực để nghiên cứu các đề tài thuộc Đề án, nguồn lực thực hiện;…

Đồng chí Hà Dũng Hải - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hà Dũng Hải - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, dự thảo Đề án cần phải thể hiện được tiến độ thực hiện đối với các đề tài nghiên cứu; nội dung nghiên cứu cũng cần bám sát vào thực tiễn, nhất là những nội dung đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị Đề án cần phải xác định được vị trí, vai trò đối với thực tiễn, đặc biệt với sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Mặt khác, Đề án khoa học phải cho ra được sản phẩm để xác định nhiệm vụ, cách làm của nghị quyết. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu góp ý vào dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao cơ quan soạn thảo chuẩn bị lại dự thảo Đề án để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, cần đánh giá, phân tích sâu sắc hơn kết quả thực hiện Đề án 899 theo hướng khái quát hóa được giá trị mang lại trong giai đoạn thực hiện vừa qua.

Đối với định hướng, nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu cần phải căn cứ vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm đã được Nghị quyết quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định và các chương trình, đề án trọng điểm tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; từ đó có những nghiên cứu hiệu quả, thể hiện tính dẫn dắt thực sự, phục vụ ngay quá trình phát triển của tỉnh.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận về dự thảo nội dung Đề án. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, việc lựa chọn các đề tài nghiên cứu trong Đề án cho giai đoạn tới phải được lựa chọn kỹ, không dàn trải; thể hiện được nguồn lực thực hiện, phân công nhiệm vụ chủ trì, cũng như tiến độ hoàn thành.

Trong đó, đối với tiến độ thực hiện các đề tài trong Đề án, đồng chí Thái Thanh Quý lưu ý, cần tập trung nghiên cứu và mốc hoàn thành nghiên cứu là vào những năm đầu nhiệm kỳ để phục vụ cho cả nhiệm kỳ cũng như đến 2030. Cơ quan soạn thảo cũng cần tiếp thu ý kiến tại cuộc làm việc để nghiên cứu bổ sung trong quá trình chuẩn bị lại dự thảo Đề án.

Cũng tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho  nhiều ý kiến, nội dung quan trọng khác như: Phương án phân bổ, sử dụng kinh phí được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020; đính chính tên công trình, thu hồi và phân bổ vốn từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2019;…