Chiều 30/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
CÔNG TÁC XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO ĐẠT KẾT QUẢ KHÁ CAO
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế Kỳ Sơn có bước tăng trưởng khá ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,55%.
Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư xây dựng. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được thực hiện rộng khắp, bình quân toàn huyện đạt 8,85 tiêu chí/xã; đến nay có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí.
Văn hóa - xã hội phát triển, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khá cao. Kỳ Sơn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về công tác giảm nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 60,24% năm 2016, đến nay giảm xuống còn 46,11%.
Đồng bào các dân tộc trong huyện đoàn kết, đồng thuận xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao; phát triển đậm đà bản sắc dân tộc.
An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác hữu nghị đặc biệt với các địa phương nước bạn Lào ngày càng bền vững. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến ghi nhận nỗ lực, kết quả của Kỳ Sơn trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, một huyện miền núi cao với 203 km đường biên giới, có vị trí rất quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, giữa kết quả đạt được và đòi hỏi từ thực tiễn, Kỳ Sơn vẫn còn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều. Ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các sở, ngành đã tập trung góp ý cho huyện trên từng lĩnh vực.
Trong đó, Kỳ Sơn cần tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó cần hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn và cán bộ hệ thống chính trị ở cơ sở; quan tâm đến phát huy đội ngũ già làng, trưởng bản; tăng cường công tác đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới.
Mặt khác, công tác xóa đói, giảm nghèo cũng đang là yêu cầu tiếp tục đặt ra hết sức trọng tâm, do đó cần có những giải pháp hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Đặc biệt, liên quan đến câu chuyện phát triển, Kỳ Sơn cần đánh giá lại trong nhiệm kỳ qua việc khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, nhân dân để có giải pháp cho nhiệm kỳ mới.
Thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị huyện tiếp tục hết sức coi trọng vấn đề đoàn kết dân tộc; bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng gắn với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn; coi xây dựng hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, cần thiết, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; quyết tâm đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân thông qua xây dựng các mô hình kinh tế trang trại và gia trại;…
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh hết sức ghi nhận những nỗ lực vượt khó đi lên của Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, đối với một số chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo, huyện cân nhắc, phân tích để xây dựng sát hơn với mục tiêu tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Kết luận nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận công tác chỉ đạo đại hội cơ sở và chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị, tiếp thu các ý kiến góp ý, huyện cần sắp xếp lại các thành tố trong chủ đề Đại hội cho hợp lý, đồng thời xem xét, cân nhắc bổ sung thành tố “khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ lại”.
Đánh giá kết quả thực hiện của nhiệm kỳ 2015 - 2020 cần làm sâu sắc thêm các hoạt động kinh tế diễn ra trên địa bàn của lực lượng thanh niên xung phong, của lực lượng quốc phòng; hiệu quả công tác tăng cường cán bộ biên phòng về làm cán bộ cấp ủy ở xã, tham gia sinh hoạt chi bộ ở bản; nhân tố đoàn kết, thống nhất trong các dân tộc; công tác xóa đói, giảm nghèo.
Trong nhiệm kỳ tới, Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị; tuy nhiên cần quan tâm, lưu ý, phân tích thêm về chỉ tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Cơ bản thống nhất những giải pháp mà Kỳ Sơn đặt ra cho nhiệm kỳ mới, Bí thư Tỉnh ủy khái quát, nhấn mạnh thêm phương châm “3 yên” mà huyện cần nằm lòng, thực hiện tốt.
Trước hết là yên dân. Muốn vậy, đầu tiên phải chú ý đến dân sinh, cần nâng cao đời sống nhân dân thông qua triển khai có hiệu quả các chương trình của Đảng, Nhà nước, tỉnh dành cho địa bàn, gắn với phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng và xây dựng các mô hình kinh tế. Thứ nữa là nâng cao dân trí thông qua chăm lo đến công tác giáo dục, văn hóa. Và cuối cùng, để yên dân thì cần phải phát huy tốt dân chủ.
Thứ hai là yên địa bàn. Để làm được điều này, trước hết phải xây dựng hệ thống chính trị mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, chỗ nào yếu phải điều chỉnh ngay, chỗ nào có vấn đề phải quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần phát huy được tinh thần đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc, trong nội bộ. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, phải xây dựng, phải phát huy được vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, lấy đây là nhân tố, đầu mối tập hợp, đoàn kết. Cùng với đó, hệ thống chính trị trên địa bàn phải bám nắm cơ sở địa bàn thật tốt để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh ở cơ sở, không để thành điểm nóng.
Thứ ba là yên biên giới. Theo Bí thư Tỉnh ủy, nội hàm của vấn đề này trước hết quân với dân phải gắn bó chặt chẽ với nhau, vì với một địa bàn rộng, địa hình phức tạp thì vai trò của nhân dân càng hết sức quan trọng, đồng bào chính là “tai mắt” cho các lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ trên địa bàn. Cùng đó, phải tiếp tục gắn kết chặt chẽ “bạn với ta” tức là cần tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại với các địa phương, đơn vị của nước bạn Lào trên tuyến biên giới. Cuối cùng, để yên biên giới thì “xuôi - ngược cũng phải gắn chặt chẽ với nhau”, theo đó đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Các đơn vị, sở, ngành của tỉnh cũng phải đồng hành, hỗ trợ Kỳ Sơn một cách thiết thực, cụ thể.
“Các đồng chí phải làm kiên trì, thường xuyên, từng bước một, nhất là yên dân. Chính yên dân giúp yên địa bàn, yên biên giới”, Bí thư Tỉnh ủy gửi gắm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thời gian tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn trong 2 ngày là 30 và 31/7/2020.