Sáng 29/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nghe và cho ý kiến về một năm triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ngành, địa phương liên quan.
Căn cứ nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 827/QĐ-TTg, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 634/KH-UBND với 12 nhiệm vụ trọng tâm trên các ngành, lĩnh vực (công tác xây dựng thực hiện quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển 10 lĩnh vực thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ) bao gồm 23 nội dung đã được giao trách nhiệm cho các sở, ngành, đơn vị và UBND thành phố.
Trong đó có 15 nội dung do các sở, ngành chủ trì, 8 nhiệm vụ do UBND thành phố chủ trì. Đến nay, nhìn chung các nhiệm vụ được triển khai nghiêm túc và đạt được một số kết quả nhất định. Một số ngành, lĩnh vực như: Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, giáo dục - đào tạo, y tế đã hình thành yếu tố trung tâm vùng.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của Thành phố ước đạt 6,36% (năm 2020 đạt 3,82%)/mục tiêu giai đoạn 2020-2023 là 10-11%; tổng giá trị gia tăng (theo giá hiện hành) chiếm khoảng 25% GRDP của tỉnh/mục tiêu giai đoạn 25-30%; giá trị gia tăng bình quân đầu người ước đạt 107,8 triệu đồng (năm 2020 đạt 101,2 triệu đồng)/mục tiêu đến năm 2023 đạt 141,7 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,13%/mục tiêu dưới 0,25% và giảm nghèo bền vững đối với những hộ cận nghèo.
HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng nhiều dự án trọng điểm như: Thông tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò; thông xe cầu Cửa Hội nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh; Xây dựng các tuyến đường giao thông nội thị trọng điểm, hạ tầng phục vụ Phố đi bộ; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố; tổ chức khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Vinh (ICO);…
Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phố Vinh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mục tiêu; hầu hết các lĩnh vực chưa có bước phát triển vượt trội; hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, vấn đề môi trường chưa được xử lý triệt để; thu hút đầu tư còn hạn chế; chưa tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt về nguồn lực… Thành phố Vinh cũng còn thiếu một số yếu tố và điều kiện để xứng tầm với vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo thành phố Vinh và các sở, ngành liên quan đã báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, liên quan điều chỉnh mở rộng TP. Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh sẽ thành lập ban soạn thảo Đề án mở rộng địa giới hành chính của thành phố Vinh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao đổi những nội dung liên quan đến bố trí, sử dụng nguồn vốn các dự án sử dụng nguồn lực đầu tư công; đồng thời đối với danh mục những công trình thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách, các ngành cùng với thành phố Vinh cần rà soát để lựa chọn những dự án thực sự có điều kiện thuận lợi, kêu gọi thu hút đầu tư vì nguồn vốn này phụ thuộc vào nhà đầu tư.
Đánh giá trong thời gian một năm thực hiện Quyết định số 827, kết quả đạt được chưa nhiều, đồng chí Nguyễn Đức Trung khẳng định: UBND tỉnh và các ngành phải tập trung để chỉ đạo để trong 2 năm còn lại thực hiện Quyết định số 827 đạt được kết quả cao nhất.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao quá trình chuẩn bị, cũng như cách tiếp cận, triển khai Quyết định số 827 của thành phố Vinh.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của TP. Vinh đối với việc chỉ đạo rà soát, đánh giá tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch số 634 của UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành được phân công chủ trì rà soát, chuẩn bị lại để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nhấn mạnh Kế hoạch số 634 đã chỉ rõ 15 nội dung liên quan đến các sở, ngành, do đó Bí thư Tỉnh ủy lưu ý phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, có bước cụ thể ở các sở, ngành với quan điểm có tư duy, cách tiếp cận tạo điều kiện cho thành phố phát triển xứng đáng với vai trò đầu tàu, vì đây là một trong những nhiệm vụ cốt lõi trong Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, các sở, ngành cần mạnh dạn, tin tưởng phân cấp, phân quyền cho thành phố ở phạm vi mà thành phố có thể đảm đương được để chủ động, linh hoạt điều hành.
Tuy nhiên, thực hiện nội dung này, thành phố Vinh cần chủ trì, nghiên cứu các văn bản, luật, quy định để đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh giao các sở ngành phân cấp, phân quyền cho Thành phố; đồng thời cần chuẩn bị về nhân lực, điều kiện để có thể đảm đương được.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của theo Quyết định số 827, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan liên quan và TP. Vinh phải phân công, vào cuộc với tinh thần kiên trì, quyết liệt đeo bám thực hiện các nội dung đề ra cho đến khi có kết quả.
Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, tới đây sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thành lập Ban Chỉ đạo mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh.