CẦN CÂN NHẮC MỤC TIÊU TRỞ THÀNH HUYỆN KHÁ CỦA MIỀN TÂY
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXX, Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương đã đoàn kết, đồng tâm, hợp lực, nỗ lực phấn đấu giành được những thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,89%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng lên 25,32%, tỷ trọng nông, lâm nghiệp xuống còn 34,61%.
Thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2019 đạt 235 tỷ đồng, trong đó phần phân cấp huyện thu đạt 195 tỷ đồng (về trước mục tiêu nghị quyết đại hội 1 năm), ước thu ngân sách năm 2020 đạt 250 tỷ đồng, trong đó phần phân cấp huyện thu đạt 200 tỷ đồng.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 44 triệu đồng, tăng 15,3 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo dự ước giảm xuống còn 3%.
Đặc biệt, sức mạnh nội lực được huy động mạnh mẽ, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa rộng khắp trên toàn huyện. Toàn huyện đã có 18 xã và 14 xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ước đến cuối năm 2020, huyện có thêm 2 xã được công nhận đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 20 xã, đạt tỷ lệ 51,3%. Số tiêu chí bình quân toàn huyện cuối năm 2020 ước đạt 16,48 tiêu chí/xã, tăng 3,78 tiêu chí/xã so với đầu nhiệm kỳ.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm đẩy mạnh, hệ thống chính trị được củng cố, đoàn kết, thống nhất, hoạt động đồng bộ, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Nổi bật là Đảng bộ huyện 2 năm liền (2016-2017) được xếp loại “Vững mạnh”.
Một trong những mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thanh Chương đặt ra là “phấn đấu phát triển thành huyện khá của miền Tây Nghệ An”.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phân tích rõ: Thanh Chương có quy mô diện tích, dân số đều đứng thứ 5/21 địa phương cấp huyện của tỉnh; quy mô kinh tế đứng thứ 9/21 huyện, thành, thị.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương trong khu vực miền Tây, quy mô kinh tế tính theo giá trị sản xuất của huyện đang đứng đầu. Thu nhập bình quân đầu người của huyện cũng ở mức bình quân của tỉnh.
Bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện cân nhắc lại mục tiêu phấn đấu phát triển thành huyện khá của miền Tây Nghệ An; đồng thời gợi mở nên phấn đấu theo hướng đặt mục tiêu là huyện khá của tỉnh gắn với phát huy thế mạnh của Thanh Chương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Thanh Chương đang là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất của tỉnh và đang có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 đến 4 sao OCOP; qua đó huyện có thể phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, tạo thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Đồng tình với 2/3 khâu đột phát phát triển của Thanh Chương liên quan đến cải cách hành chính; phát huy nội lực, thu hút ngoại lực tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tuy nhiên, về đột phá thứ 3 liên quan đến tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện nên cân nhắc thay bằng đột phá vào việc phát huy nhân tố con người Thanh Chương trong và ngoài huyện để phát huy tốt nhất truyền thống của một miền đất học.
Tại cuộc làm việc, một số ý kiến cũng cho rằng, Thanh Chương nên đánh giá kỹ, gắn với giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt, theo đồng chí Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, huyện cần đánh giá kỹ và có giải pháp về công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, huyện cần có các giải pháp để tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch; gắn với đó là nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong quá trình tham gia cung cấp, định hướng thông tin; đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm nêu gương, nhất là của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.
Ngoài ra, tại cuộc làm việc, các ý kiến góp ý vào một số nội dung về tiêu đề, một số chỉ tiêu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; sắp xếp, bố trí cán bộ xã dôi dư; chỉ ra những nguyên nhân đối với các chỉ tiêu chưa đạt được;...
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ghi nhận công tác chỉ đạo đại hội cấp cơ sở ở Thanh Chương và công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện.
Đi vào nội dung cụ thể, về tiêu đề, đối với thành tố: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành”, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, với việc xác định nội dung này cho thấy huyện đã nhận thấy vấn đề cần thiết nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tuy nhiên cần diễn đạt lại để thể hiện rõ hơn điểm tập trung nhất.
Đối với thành tố: “Xây dựng Thanh Chương phát triển thành huyện khá của miền Tây Nghệ An”, huyện nên có cách tư duy lại phù hợp hơn với thực tiễn, điều kiện của địa phương, như: phấn đấu trở thành huyện nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, vùng nguyên liệu lớn, hàng hóa;…
Đối với việc xây dựng Báo cáo chính trị, dung lượng cần cô đọng, khái quát cao hơn; bố cục giữa các phần cần cân đối hơn, nhất là phần hạn chế và nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm cần dành dung lượng thỏa đáng để phân tích thấu đáo.
Đề cập đến định hướng, chiến lược của Thanh Chương thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với xác định của huyện vẫn là nông - lâm - ngư. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện dù đã có các mô hình song vẫn còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao, chưa thành chuỗi sản phẩm và phát triển thành quy mô hàng hóa, trong khi đó huyện có đủ điều kiện về hạ tầng, đất đai… để thực hiện.
“Các đồng chí lưu ý tổ chức khảo sát đánh giá, tổ chức hội thảo, nghiên cứu kỹ để có một chiến lược phát triển nông nghiệp trọn vẹn” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh nhiệm vụ đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương và gợi mở thêm huyện cần chọn lọc được cây con chủ lực, đặc sản để quy hoạch theo vùng sản xuất.
Mặt khác, Thanh Chương cần tìm hướng đi mới về du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Vì huyện có các sản phẩm tiềm năng như: đảo chè; thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây và điều kiện giao thông, hạ tầng thuận lợi, nhất là trong tương lai đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có hướng tuyến đi qua huyện.
Một thế mạnh khác Thanh Chương cũng cần phát huy hiệu quả hơn nữa là nguồn lực của con người Thanh Chương, trong đó có những người con xa quê trong và ngoài nước. Đây là lợi thế để huyện có thêm các nguồn lực và những sự kết nối để góp phần xây dựng huyện.
Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh ủy hết sức lưu ý, Thanh Chương cần quan tâm sâu sắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, vai trò của người đứng đầu. Tỉnh kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới huyện sẽ có những thay đổi về công tác này.
Là một huyện có đường biên giới với nước bạn Lào, vì vậy Thanh Chương cũng cần tiếp tục quan tâm đến công tác đối ngoại Đảng, chính quyền, nhân dân, bảo đảm an ninh biên giới.